Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 đặt kỳ vộng sáng kiến Tái thiết Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W), sẽ cung cấp một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch để giúp thu hẹp khoản chi phí 40 nghìn tỷ USD mà các quốc gia đang phát triển cần vào năm 2035, Nhà Trắng cho biết.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Biden chỉ ra rằng sáng kiến B3W không chỉ là nhằm đối đầu hay thế chân vị trí nhà đầu tư của Trung Quốc.
"Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đưa ra một giải pháp thay thế tích cực nào phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức làm việc của chúng tôi", nguồn tin này cho biết.
Theo Nhà Trắng, G7 và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến này để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc đã công bố dự án "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) với mục đích phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển trải dài từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để có nguồn vốn xây dựng hệ thống đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.
Một số chuyên gia nhận định BRI thực chất là phiên bản hiện đại của tuyến thương mại con đường tơ lụa cổ xưa nối Trung Quốc với thế giới, nhưng đây cũng là một phương tiện để chính quyền Bắc Kinh gia tăng sức ảnh hưởng lên các nước khác.
Theo cơ sở dữ liệu của công ty Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ USD được liên kết với BRI, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào tháng 6 năm ngoái rằng khoảng 20% dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19.