Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống lại COVID-19 với việc tài trợ 500 triệu mũi vaccine Pfizer, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh sẽ cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine thừa cho các quốc gia nghèo nhất.
Ông Johnson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022 và nhóm này dự kiến sẽ đóng góp 1 tỷ liều.
"Nhờ sự thành công của chương trình vaccine của Vương quốc Anh, chúng tôi hiện có thể chia sẻ một lượng vaccine dư thừa cho những người cần chúng", Thủ tướng Johnson cho biết. "Khi làm như vậy, chúng ta sẽ thực hiện một bước tiến lớn để đánh bại đại dịch này một cách tốt đẹp".
Đại dịch COVID-19 đã giết chết khoảng 3,9 triệu người và phá hủy nền kinh tế toàn cầu. Có tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca bệnh kể từ khi lần đầu bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.
Với dân số toàn cầu gần 8 tỷ người và hầu hết mọi người đều cần tiêm hai liều vaccine, các chuyên gia từ những tổ chức phi chính phủ cho biết cam kết của G7 đã đánh dấu sự khởi đầu nhưng các nhà lãnh đạo thế giới cần phải đi xa hơn, và nhanh hơn nhiều.
“Mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine của G7 nên được coi là mức tối thiểu tuyệt đối và khung thời gian cần phải tăng tốc”, bà Lis Wallace từ tổ chức chống đói nghèo ONE cho biết. "Chúng ta đang trong một cuộc chạy đua với dịch bệnh, một khi virus càng tồn tại lâu thì nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm hơn phá hoại tiến bộ toàn cầu càng lớn".
Trong số 100 triệu mũi vaccine mà Anh cam kết, 80 triệu mũi sẽ được chuyển cho cơ chế COVAX và phần còn lại sẽ được cung cấp cho các quốc gia nghèo.
Việc để các quốc gia đang phát triển tự đối phó với đại dịch có nguy cơ cho phép SARS-CoV-2 phát triển thêm nhiều biến thể và chống lại vaccine. Các tổ chức từ thiện cũng cho biết sẽ cần hỗ trợ hậu cần để giúp quản lý số lượng lớn vaccine ở các nước nghèo.