Gánh nặng 'nợ y tế' thời kỳ hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trước việc chính phủ Mỹ dừng các khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với đại dịch, số lượng lớn người Mỹ không có bảo hiểm y tế hiện đang phải “vật lộn” với việc chi trả các hóa đơn xét nghiệm và điều trị COVID -19 .
Gánh nặng 'nợ y tế' thời kỳ hậu COVID-19

Khi bị tái nhiễm virus corona lần thứ hai vào tháng 6 năm nay, Mandy Alderman, 44 tuổi, từng là nhân viên hỗ trợ y tế tại thành phố Lawrenceville, rất muốn được điều trị bằng kháng thể đơn dòng hoặc Paxlovid, một loại thuốc kháng virus giúp làm giảm mức độ trở nặng của bệnh, nhưng đành từ bỏ ý định do cô không có bảo hiểm y tế và không đủ khả năng thanh toán viện phí.

Alderman sau đó đã tìm đến một bác sĩ sẵn sàng kê đơn hỗn hợp các loại thuốc, nhưng trong đó vẫn không bao gồm loại thuốc điều trị COVID-19 mà cô ấy muốn. Cô đã quyết định mua những loại thuốc mà bản thân có thể chi trả tại cửa hàng tạp hóa Publix gần nhà, với tổng số tiền là 85 USD - khoản tiền cô có được từ người dì của mình.

“Tôi cảm thấy như mình không có phản ứng với những loại thuốc đó. Các triệu chứng đều không có chuyển biến,” cô Alderman kể lại về quá trình điều trị COVID-19 của bản thân.

Khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế điều trị COVID-19 đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến đối với người nghèo không có bảo hiểm tại Mỹ. Trong khoản thời gian đại dịch bùng phát, chính phủ Mỹ đã chi ra khoảng 25 tỷ USD nhằm hỗ trợ người Mỹ không có bảo hiểm tiếp cận hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ bao gồm chi phí tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị. Tuy nhiên, ngân sách chi cho Quỹ “COVID Care” của Mỹ hiện đã cạn kiệt.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề xuất Quốc hội nước này bổ sung ngân quỹ, nhưng yêu cầu này sau đó không được thông qua. Trước những hệ luỵ tiêu cực của tình trạng này, trong tháng trước, Nhà Trắng đã một lần nữa đề xuất Quốc hội cấp hơn 9 tỷ USD bổ sung cho công tác ứng phó với đại dịch. Dự kiến một phần trong khoản ngân sách bổ sung sẽ được dùng để trợ cấp những người Mỹ gặp khó khăn, bao gồm cả những người không có bảo hiểm, được tiếp cận với vaccine phòng bệnh cũng như các phương pháp điều trị cần thiết.

Đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối những yêu cầu từ phía chính quyền Tổng thống Biden. Họ cáo buộc các khoản phân bổ tiền trợ cấp trong đại dịch quá lãng phí và bày tỏ quan điểm không muốn cung cấp thêm, đặc biệt là sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rằng “đại dịch đã qua” hồi tháng 9.

Những người Mỹ không có bảo hiểm hiện đang gặp nhiều khó khăn hơn, khi giới chức nước này đang lên kế hoạch cấp phép vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 được đưa ra thị trường thương mại vào mùa hè tới - một động thái có thể gây cản trở khả năng tiếp cận hệ thống y tế của nhóm đối tượng này.

Michele Johnson, Giám đốc Trung tâm Tư pháp bang Tennessee, Mỹ, đơn vị hỗ trợ giúp những người dân nghèo trong bang về mặt pháp lý, cảnh báo rằng những người không có bảo hiểm đang đối mặt với gánh nặng mới do COVID-19 gây ra: Nợ y tế.

“Người dân sẽ hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng, hoặc bị mắc nợ đến hết đời và hoặc là cả hai đều xảy ra”, bà Johnson chỉ rõ.

Trong thời điểm đại dịch bùng phát, chính quyền Mỹ đã chi trả chi phí tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị cho những người không có bảo hiểm thông qua một quỹ do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nước này điều hành. Tuy nhiên, quỹ này đã dừng hoạt động do thiếu kinh phí kể từ hồi đầu năm nay, và ngừng cung cấp kit xét nghiệm miễn phí tại nhà thông qua dịch vụ chuyển phát vào tháng 9 vì lý do tương tự.

Trung bình mỗi ngày Mỹ hiện ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc COVID–19 và đây không phải một con số nhỏ, những người không có bảo hiểm sẽ phải gánh trên vai một loạt chi phí y tế. Một số người đã phải chi hơn 3.000 USD cho việc xét nghiệm thông thường, còn với bệnh nhân có triệu chứng nặng, chi phí nhập viện có thể lên tới 1 triệu USD.

Gánh nặng 'nợ y tế' thời kỳ hậu COVID-19 ảnh 1

Bà Mandy Alderman, một người Mỹ không có bảo hiểm, không có khả năng điều trị COVID-19 theo phương pháp mong muốn.

Hiện nay, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân nhiễm virus corona điều trị theo các phương pháp như Paxlovid hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, nếu các khoản trợ cấp dành cho người dân không có bảo hiểm không được bổ sung, nhóm đối tượng này vẫn có thể bị tính phí cho các lần khám bệnh.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một chương trình mới có tên là Vaccine cho người lớn, mô phỏng theo chương trình tiêm chủng vaccine miễn phí cho trẻ em. Nếu được Quốc hội thông qua, chương trình này sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID–19 cũng như mũi vaccine bổ sung cho nhóm đối tượng này.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Dawn O'Connell cho biết, giới chức Mỹ hiện đang làm việc với các đơn vị sản xuất vaccine và các đơn vị điều trị COVID–19, kêu gọi họ thiết lập các chương trình hỗ trợ những người không có bảo hiểm y tế.

Một số tiểu bang tại Mỹ hiện đang sử dụng quỹ Medicaid để chi trả các khoản phí tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị COVID–19 cho những người dân không có bảo hiểm y tế theo một chính sách tạm thời của chính quyền liên bang. Tuy nhiên, chính sách này sẽ hết hiệu lực khi chính phủ nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp liên quan đến sức khoẻ cộng đồng đối với đại dịch, một quyết định dự kiến sẽ được công bố ngay trong năm tới.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã triển khai một chương trình hỗ trợ mới dưới dạng phân phối vaccine. Vào tháng 9, vài tuần sau khi thuốc kháng thể đơn dòng điều trị COVID–19 của Eli Lilly được tung ra thị trường thương mại, Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp 60.000 liều vaccine cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe. Mỗi một liều vaccine được tiêm cho một bệnh nhân không có bảo hiểm, chính phủ sẽ bổ sung bù lại lượng vaccine cho đơn vị đó.

Tuy nhiên, tuần trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết loại thuốc này ​​sẽ không có tác dụng chống lại các biến thể mới của virus SARS–CoV–2 và không còn được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Anthony Lund, một nhân viên tư vấn bảo hiểm y tế, trước đây làm việc tại trung tâm xét nghiệm Mayo Clinic ở Minnesota, từng trấn an những bệnh nhân không có bảo hiểm rằng: Chính phủ sẽ hỗ trợ chi trả cho các chi phí xét nghiệm COVID–19. Thế nhưng, khi chuyển công tác, chính anh cũng không có bảo hiểm y tế và phải chờ các khoản trợ cấp mới có hiệu lực và đến khi có dấu hiệu bị sốt và sổ mũi hồi tháng 1, anh đã tiến hành xét nghiệm tại Mayo, rồi bất ngờ nhận một hoá đơn lên đến 520 USD.

“Nếu biết sẽ bị tính phí, chắc chắn tôi đã không đi xét nghiệm”, anh Lund cho biết.

Anh Lund sau đó đã trao đổi với đơn vị Mayo Clinic, đồng thời trích dẫn các chính sách mà trước đây ông đã tư vấn cho những người khác để đòi quyền lợi. Kết quả anh đã được miễn chi trả các hoá đơn xét nghiệm. Phòng khám Mayo Clinic cho biết họ đã miễn các khoản chi phí y tế cho anh Lund như một phép lịch sự với bệnh nhân – một người nhân viên cũ.

Ông Kody H. Kinsley, quan chức y tế hàng đầu bang South Carolina, cho biết một số đơn vị xét nghiệm tư nhân đã dừng lập hóa đơn đối với các xét nghiệm được thực hiện cho những người không có bảo hiểm cho chính phủ. Các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế tư nhân cho nhóm đối tượng không có bảo hiểm dựa vào quỹ hỗ trợ của chính quyền liên bang hiện gặp rất nhiều khó khăn, họ hiện đã phải ngừng một số hoạt động trong quá trình vận hành.

Việc Quỹ “COVID Care” gặp khủng hoảng cũng tạo thêm áp lực tài chính lên các bệnh viện công tư tại Mỹ. Beth Feldpush, Phó Chủ tịch cấp cao về chính sách và vận động chính sách tại Mạng lưới Các bệnh viện trọng yếu của Mỹ, cho biết các bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những bệnh nhân không có bảo hiểm đã gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Họ phải cân đối chi phí điều trị những bệnh nhân đó với mức lương của các y tá và nhân viên hành chính bệnh viện.

“Khi nguồn trợ cấp của chính quyền liên bang dần cạn kiệt, hậu quả sẽ là khôn lường”, ông Kinsley nhấn mạnh.

Theo The New York Times
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.