Đây là mô hình sáng tạo, đầu tiên ở Việt Nam - một thực tiễn tốt ra đời sau thông điệp của Thủ tướng về một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì doanh nghiệp (DN).
Lắng nghe, tận tâm để bắt bệnh
Gặp “Bác sĩ”- TS Nguyễn Phương Bắc, đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Bắc Ninh, mới vỡ lẽ việc “chẩn bệnh, bốc thuốc” cho DN cũng lắm nỗi gian nan. Hoá ra ông là người được chọn mặt gửi vàng để “gác” email, “ôm” đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận, xử lý miễn phí những vấn đề phản ánh của DN 24/24 giờ, tại địa phương có trên 8.000 DN
Ông Bắc chia sẻ , lâu nay những vướng mắc đầu vào, thị trường DN có thể tự giải quyết, nhưng “vướng” với cơ quan công quyền, chưa có cách gỡ hữu hiệu. Thông thường, hàng năm lãnh đạo tỉnh gặp gỡ với DN, cũng là cách hay, động viên phong trào nhưng chưa giải quyết được cặn kẽ. DN cũng qua kênh hiệp hội để kiến nghị, nhưng đó không phải là cơ quan chẩn đoán được bệnh cụ thể là gì, cách giải quyết ra sao để cùng cơ quan quản lý xử lý triệt để.
“Qua khảo sát, tới 43% số DN cho biết, khi gặp vướng mắc, họ lại đến chính cơ quan gây vướng mắc để giải quyết. Ðó là một vòng luẩn quẩn. Vì thế, chúng tôi nghĩ ra mô hình có thể chẩn đoán và giải quyết khó khăn cho DN một cách độc lập, chuyên nghiệp và mô hình Bác sĩ DN ra đời từ đó”- TS Bắc chia sẻ.
Vì thế, cũng như chữa bệnh cho người, bác sỹ phải “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm” và “nói thật, làm thật” và làm sao chạm được vào nỗi niềm của DN. “Quả thật, khi chúng tôi giới thiệu về mô hình này, nhiều DN nghi ngờ, vì không nghĩ rằng có một bộ phận như vậy để họ giãi bày”- TS Bắc nói.
Thay đổi để phát triển
Sau hơn 4 tháng triển khai, văn phòng Bác sĩ DN đã tiếp nhận hơn 60 ý kiến phản ánh từ DN, đa phần là DN nhỏ và vừa vốn hạn chế trong việc tiếp cận với cơ quan công quyền.
“DN đến bác sĩ là những DN có bệnh rất nặng. Có lẽ họ đã tìm nhiều cách xử lý, nhưng không có kết quả và họ đến với bác sĩ như niềm hy vọng cuối cùng. Phần nào chúng tôi đã cứu được họ, nếu không họ tuyệt vọng và có thể chết”- ông Bắc nói.
Chẳng hạn, cũng về sổ đỏ, có người hồ sơ so với diện tích thực địa chênh nhau, thay vì cán bộ tận tình hướng dẫn xử lý, thì lại ngâm đó, DN chả biết kêu ai. Có trường hợp hồ sơ đầy đủ, đến nộp thì cán bộ bị ốm, quên mất... khiến hồ sơ DN bị chậm cả năm trời. Hay các vấn đề về thuế; hiểu không thống nhất câu chữ, khiến dự án bị tắc cả năm…
“Cũng vì thế, mà tôi thấy câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chính quyền phục vụ, kiến tạo để “ngấm” được vào cuộc sống mới khó đến nhường nào”- anh Bắc chiêm nghiệm.
Một điều ông Bắc rất tâm đắc khi triển khai mô hình bác sỹ DN để truyền thông điệp về cải cách, phục vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, là từng bước làm thay đổi văn hóa ứng xử của DN lẫn cơ quan công quyền.
Ông chia sẻ, mô hình này nhắm tới “thành trì” là hệ thống các sở ban ngành, chính quyền cấp huyện thị trở xuống, nên phải có “nghệ thuật tương tác”, nếu không sẽ gặp sự phản ứng.
Theo ông Bắc, số lượng DN phản ánh đang tăng dần, chứng tỏ DN đã tin dần dịch vụ của Văn phòng Bác sĩ. Các DN cũng cho thấy sự tự tin hơn khi tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước. “Nhiều trường hợp họ nói thẳng đã là quyền lợi của DN thì họ quyết đòi chứ không phải sợ như trước”- ông Bắc nói.
“Bác sỹ” Bắc cũng nhắn nhủ rằng, DN đến với Văn phòng bác sỹ, phải tuân thủ đúng pháp luật, liêm chính và có văn hoá ứng xử.
Còn về phía cơ quan công quyền, vị bác sỹ cho biết: “Chúng tôi tác động rằng, nếu anh giúp được DN là điều rất quý, là hiện thân văn hoá cống hiến trong cơ quan lý của Chính phủ, anh được tôn vinh, thay vì anh nghĩ đến lợi lộc”.
Nhiều người cũng tò mò, rằng bác sĩ có nhận được “cám ơn” từ DN không? Ông Bắc cho hay, nhiều trường hợp họ liên hệ, xử lý qua qua email, tin nhắn, họ không biết mặt ông Bắc là ai.
"Bác sĩ DN” là sáng kiến của TS Nguyễn Phương Bắc, là một trong những dự án hỗ trợ DN do Quỹ châu Á quản lý với sự tài trợ của Chính phủ Úc. Ðây cũng là điểm sáng, thực tiễn tốt được giới thiệu ở nhiều địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh.