Thị trường năng lượng phiên này nhận được sự hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Ngoài ra, việc dự trữ và sản lượng dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm cũng góp phần thúc đẩy giá "vàng đen".
Vào lúc 8 giờ 40 phút giờ GMT (15 giờ 40 phút giờ Việt Nam), tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 50 xu Mỹ (0,74%), lên 67,05 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu này chạm mức cao nhất kể từ đầu năm là 68,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng tăng 36 xu Mỹ (0,62%), lên 58,62 USD/thùng.
OPEC và một số nước đồng minh, bao gồm Nga, vẫn kiên trì tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được hồi cuối năm ngoài nhằm thu hẹp nguồn cung dầu toàn cầu và vực dậy giá dầu. Trong khi đó, tại Venezuela, sản lượng dầu và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, trong khi Washington ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với chính phủ cũng như tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA ở quốc gia Nam Mỹ này. Tại khu vực Trung Đông, Mỹ cũng đang áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran và đặt mục tiêu cắt giảm 20% lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này, xuống dưới 1 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2019. Những diễn biến này giúp đẩy lùi lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu, vốn là nhân tố nhấn chìm giá dầu trong mấy năm trước.
Trong khi đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 8/3) đã sụt giảm, do các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh sản lượng. Sản lượng dầu của Mỹ cũng hạ 100.000 thùng/ngày, xuống còn 12 triệu thùng/ngày. Thông tin này cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc cải thiện cũng là nhân tố làm lợi cho giá dầu trong phiên 14//3. Số liệu thống kê mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho hay, lượng tiêu thụ dầu tinh chế của nước này đã đạt mức kỷ lục. Tuy vậy, thị trường năng lượng vẫn đang đứng trước thách thức khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà giảm tốc. Theo báo cáo cùng ngày của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 5,3%, mức tăng thấp nhất trong 17 năm qua, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn trong tình trạng “hụt hơi”.