Bức xúc vì ô nhiễm
Bãi chôn lấp rác thải xã Ia Yok là nơi chứa rác của người dân 2 xã Ia Yok và Ia Sao (huyện Ia Grai) từ hơn 10 năm nay. Hiện tại, hố rác đã gần đầy, chứa trên 70% diện tích và bắt đầu phát sinh ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người dân sống xung quanh khu vực bãi rác bức xúc.
Sống cách bãi rác này khoảng 500m, ông Đỗ Văn Hoa (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok) phản ánh: “Bãi rác bây giờ ô nhiễm môi trường khiến sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Mùi hôi thối bốc lên cả ngày cả đêm, nhất là trời mưa. Ruồi, muỗi, côn trùng bay vào khắp nhà. Đến mùa nắng, một số người đến bãi rác đốt rác để tìm nhặt ve chai khiến khói bay mù mịt. Khói có mùi khét khó chịu phủ kín từ ngoài vườn vào nhà khiến gia đình tôi rất khó chịu. Chưa kể khói này còn rất độc hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến cả cây trồng”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Chín (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok) cũng rất bức xúc: “Không chỉ rác của 2 xã mà có lúc rác của cả huyện cũng đưa về khu vực này để đổ. Xe vận chuyển rác chạy đến đâu, rác rơi vãi đến đó. Có lần chúng tôi phải chặn xe rác lại, yêu cầu gom hết rác rơi vãi lên xe mới cho chở đi. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương các cấp nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây để người dân ổn định cuộc sống”.
Theo ông Hồ Vĩnh Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yok, bãi rác thải tại xã Ia Yok được hình thành tự phát cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu đây là nơi đổ rác của 2 xã Ia Sao và Ia Yok (huyện Ia Grai), khi đầy thì xử lý bằng hình thức đốt. Nay nhu cầu sinh hoạt, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi kinh phí vận chuyển, thu gom rác thu từ người dân không đủ để xử lý.
“Xã Ia Yok đã nhận được nhiều ý kiến, phản ánh của người dân sống gần bãi rác về tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác này. Chính quyền xã đã có đề nghị ngành chức năng huyện Ia Grai sớm có giải pháp để khức phục tình trạng này”, ông Hồ Vĩnh Bắc cho hay.
Đơn vị thi công đang tiến hành đào hố rác số 2, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12/2018 |
Khẩn trương khắc phục ô nhiễm
Trao đổi với ông Thái Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai (Gia Lai), được biết: Bãi rác xã Ia Yok đã được đưa vào quy hoạch năm 2015 với diện tích 2 ha, gồm 6 hố chôn lấp, tường bao, cổng, đường giao thông nội bộ. Hiện mới sử dụng 1 hố, hố rác này đã gần đầy và bắt đầu phát sinh ô nhiễm môi trường. Qua cuộc tiếp xúc cư tri, Hội đồng Nhân dân huyện Ia Grai đã nhận được thông tin phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác này của người dân.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác này, huyện Ia Grai đã thực hiện phun chế phẩm sinh học xử lý rác và hóa chất diệt côn trùng để giảm ô nhiễm. Đồng thời, bố trí kinh phí 900 triệu đồng để tiến hành đào hố số 2, dự kiến hố số 2 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2018. Khi đó, hố số 1 sẽ đóng cửa để thực hiện gia cố, lu lèn để ép rác xuống, nâng bờ bao lên 1m và sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng đồng thời với hố số 2.
Ông Thái Anh Tuấn cho biết: “Để chủ động phát hiện ô nhiễm môi trường tại bãi rác này, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Gia Lai tiến hành lấy mẫu nước dưới giếng của các hộ dân tại khu vực gần bãi rác để phân tích chất lượng nguồn nước ở đây xem có bị ảnh hưởng không. Từ đó, có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.
Ngoài ra, các hạng mục khác như đường bê tông nội bộ trong bãi rác, tường bao quanh cao 2m và cổng cũng sẽ được xây dựng và nghiệm thu trong năm 2018. “Sau khi có tường bao và cổng, việc một số người dân vào trong bãi rác đào bới rác, đốt rác gây ô nhiễm môi trường sẽ được ngăn chặn. Tường bao cao 2m sẽ ngăn không cho rác thải, bao bì ni long từ bãi rác bay ra bên ngoài. Việc phun hóa chất xử lý côn trùng và chế phẩm sinh học xử lý rác được thực hiện định kỳ 3 tháng/lần để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh”, ông Thái Anh Tuấn nói thêm.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề chung xảy ra ở không riêng bãi rác Ia Yok mà còn ở nhiều bãi rác khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để khắc phục điều này ngoài sự quan tâm của địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, bố trí kinh phí xử lý thì còn cần có ý thức của người dân, tránh các hoạt động đào bới, đốt rác để tìm nhặt ve chai, thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng ô nhiễm này.