Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá hồ tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn đang sụt giảm mạnh và chạm đáy trong vòng 6 năm trở lại đây. Hiện, giá tiêu tại Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… giảm khoảng 2.000-5.000 đồng so với thời điểm cuối tháng 5, xuống còn 76.000-79.000 đồng một kg.
Giá hồ tiêu trong nước có xu hướng lao dốc từ đầu năm ngoái, khi diện tích vùng trồng tăng đột biến. Giá tiêu đen xô dao động ở vùng giá 130.000 đồng một kg vào giữa tháng 3/2016, sau đó tăng lên 180.000 đồng vào giữa năm. Từ đó đến cuối năm, giá hồ tiêu luôn trong tình trạng giảm sâu và không có dấu hiệu phục hồi. Như vậy, giá hồ tiêu hiện giảm hơn phân nửa, tức khoảng trên 90.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 đạt khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng tăng cao đến mức không thể kiểm soát đang khiến tình hình sản xuất hồ tiêu trong nước rơi vào trạng thái không bền vững. Nông dân nhiều nơi, nhất là khu vực vay vốn ngân hàng để đầu tư, đang bắt đầu hoang mang khi giá xuống gần sát vốn.
Theo phân tích của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu đang dự trữ số lượng lớn để chờ giá lên. Các đại lý mua cầm chừng hơn vì tâm lý không muốn trữ hàng, chưa kể một lượng lớn đã mua vào ở mức giá 110.000 đồng một kg hồi tháng 3 không thể bán ra càng khiến thị trường khó bật lên.
Tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng bị chững lại, trong khi nguồn cung vượt cầu khiến giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu ghi nhận mức giảm kỷ lục 27%. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt với việc các nhà nhập khẩu muốn từ chối nhận hàng, đưa ra các yêu sách về chất lượng để ép giá.
VPA dự báo trong thời gian gần giá tiêu sẽ chưa được như kỳ vọng do các nước Hồi giáo vẫn đang trong tháng lễ Ramadan, trong khi nguồn cung toàn cầu lại sắp có thêm vài chục nghìn tấn của Indonesia.
Theo Vnexpress