Giáo dục đại học sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2019?

 TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho rằng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến bức tranh giáo dục đại học năm 2019.

Cuối năm 2018, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khóa XIV của kỳ họp thứ 6 thông qua với nhiều điểm mới.

Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, điều luật này nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học như: Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; trao thực quyền cho hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp thông lệ quốc tế.

Trả lời Zing.vn, TS Lê Viết Khuyến cho rằng Luật Giáo dục Đại học nếu làm đúng, sẽ tác động lớn, tích cực đến bức tranh giáo dục đại học; nếu không sẽ có tác động ngược lại.

Giáo dục đại học sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2019? ảnh 1

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Q.

Còn nhiều băn khoăn

- Luật Giáo dục Đại học được thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7, ông có nhận xét gì về những điều luật sửa đổi này?

- Tôi kỳ vọng luật giáo dục sửa đổi sẽ đi xa hơn nữa khi có những thay đổi căn bản và giải quyết được những vướng mắc cho giáo dục Việt Nam.

Trên thế giới, hệ thống các trường cao đẳng nằm chung trong sự phát triển của giáo dục đại học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cao đẳng và đại học lại là hai hệ thống riêng. Điều này tạo nên góc nhìn hình ảnh giáo dục Việt Nam không thật đẹp và mang tính chất phiến diện, dẫn đến hệ thống văn bằng lộn xộn.

Cụ thể, hệ thống văn bằng của Việt Nam chỉ ghi chung trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, văn bằng ghi rất rõ cử nhân hoặc bằng chuyên gia (cho những ngành nghề đào tạo như bác sĩ, kỹ sư, luật sư).

Ở Việt Nam, một trường đào tạo 3 năm, trường khác đào tạo 6 năm, cả hai đều là hệ đại học. Điều này thể hiện rõ sự không công bằng. Ngoài ra, các trường đào tạo theo hướng hữu dụng hay nghiên cứu, bằng cấp cũng phải khác nhau. Luật Giáo dục Đại học không đề cập rõ điều này, gây rối về hệ thống văn bằng.

Ngoài ra, Luật Giáo dục Đại học 2012 và sửa đổi 2018 còn một số vấn đề khác chưa được nêu như vị trí các trường dân lập, vấn đề tăng học phí cần dựa vào năng lực đóng góp của người dân ra sao… Tôi kỳ vọng những vấn đề này sớm được đưa ra để mở lối đi cho giáo dục Việt Nam phát triển thuận lợi, tạo ra cơ chế tự chủ.

Chúng ta chấp nhận mục tiêu của Luật Giáo dục sửa đổi 2018 nhưng không phải vì thế mà hài lòng với lần sửa đổi lần này sẽ tạo ra sự “cứu cánh” cho nền giáo dục Việt Nam.

Có những tác động tích cực

- Vậy, những điểm được trong luật giáo dục lần này là gì, thưa ông?

- So với luật giáo dục cũ, sửa đổi lần này khẳng định được quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học rõ hơn, gắn liền trách nhiệm của xã hội hơn khi giải quyết được các câu hỏi: Tự chủ là gì, trách nhiệm giải trình là gì? Đặc biệt, việc thành lập hội đồng trường sẽ giảm thiểu được các tầng lớp độc tài trong giáo dục.

Đầu năm 2019, ĐH Công nghiệp Hà Nội đã xử lý hàng loạt cá nhân liên quan sai phạm trong việc cấp chứng chỉ tiếng Anh đầu ra, trong đó người trực tiếp liên quan là trưởng khoa.

Năm 2018, dư luận xôn xao với câu chuyện thầy hiệu trưởng ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Phú Thọ dâm ô hàng loạt học sinh. Điều đáng nói giáo viên ở trường không ai dám lên tiếng vì ông hiệu trưởng này là người nắm quyền lực cao nhất.

Năm 2017, dư luận cũng lên án câu chuyện hiệu trưởng Tiểu học Nam Trung Yên ngồi trên ôtô đâm gãy chân học sinh nhưng bưng bít sự việc.

Những vụ việc trên cho thấy cơ chế hiện nay của giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục đại học nói chung cần có tổ chức có quyền lợi mạnh hơn hiệu trưởng là hội đồng trường.

Nghị quyết 16 Trung ương vừa qua khẳng định hội đồng trường là cơ quan cao nhất của nhà trường. Nhưng nếu không làm rõ bản chất chủ sở hữu của các trường, hội đồng trường sẽ rất lúng túng.

Hội đồng trường giám sát được hiệu trưởng cũng đóng góp vào quyết định, đường hướng cho sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, hội đồng trường cần có cả thành phần bên ngoài nhà trường. Họ không nhận lương, phụ cấp, không tham dự vào lợi ích của nhà trường để vô tư bênh vực cho người học.

Việc thành lập hội đồng trường phải rất cẩn thận, quyết định sự thành bại cho các trường đại học tự chủ. Luật Giáo dục cũng cần làm rõ hơn chức năng của hội đồng trường.

Việc tăng học phí trong Luật Giáo dục cũng cần làm rõ giới hạn, vì thế cần người đại diện cho xã hội đưa vào hội đồng trường.

Hội đồng trường muốn đi vào cuộc sống cần những văn bản dưới luật để thể hiện cụ thể hơn. Các trường cần hiểu sao cho đúng về tự chủ, bản thân phải phấn đấu để được trao tự chủ. Nếu các trường không hiểu rõ, khi ban hành luật giáo dục đại học, sẽ xảy ra tình trạng “muốn làm gì thì làm”, tạo nên tác hại ghê gớm.

-  Ông đánh giá Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ tác động lên bức tranh giáo dục đại học 2019 thế nào?

- Khi đưa vào thực tế, nếu Luật Giáo dục Đại học làm đúng, sẽ tác động lớn, tích cực đến bức tranh giáo dục đại học; nếu không sẽ có tác động ngược lại.

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam gồm trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc)... Trên thế giới, phần lớn đại học xếp vào đại học đẳng cấp quốc tế đều là đại học đa lĩnh vực. Tuy nhiên, đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực.

Chúng ta không tạo ra đại học đa lĩnh vực mà chỉ là các liên hiệp trường đại học thì sẽ không phát huy sức mạnh tổng hợp của trường đại học.

Theo Zing
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.