Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là chia sẻ của nhiều phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo các nhà trường khi chương trình mới đã được triển khai được ở lớp 10 từ đầu năm học 2022-2023.
Vừa học vừa mong
Gần giữa học kỳ hai của lớp 10 đồng nghĩa với chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở bậc trung học phổ thông được gần một năm nhưng tới nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Siêu mới đây, cô Tô Lan Hương, giáo viên Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường này đề nghị bộ sớm có hướng dẫn việc đánh giá đầu ra của các bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông theo chương trình mới. Theo cô Hương, điều này sẽ giúp giáo viên biết được cách dạy và học mình đang thực hiện đã đủ và đúng chưa, giúp giáo viên thêm tự tin và vững vàng hơn.
“Đây là mong muốn của tôi cũng như tất cả các giáo viên. Hiện chúng tôi chưa biết học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ thi như thế nào,” cô Lan Hương bày tỏ.
Cùng đề nghị này, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho hay học sinh sẽ thi như thế nào cũng là câu hỏi mà cô nhận được từ rất nhiều phụ huynh khi học sinh bắt đầu học chương trình mới. Chương trình đã thay đổi rất nhiều từ nội dung đến cách tiếp cận nên phụ huynh lo lắng liệu con có thi được không với cách học mới?
“Chúng tôi mong bộ sớm có văn bản hướng dẫn về thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để giáo viên, nhà trường có sự đồng bộ giữa chương trình đào tạo và kỳ thi,” cô Minh Thúy nói.
Cô Tô Lan Hương chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về mong muốn bộ sớm công bố phương án thi. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cho rằng việc ban hành hướng dẫn thi đang bị chậm, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thẳng thắn cho biết có một thực tế không thể phủ nhận là thi như thế nào, học sinh sẽ học như thế đó.
Theo thầy Dỵ, trong những năm gần đây, khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một phần của điểm xét công nhận tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn chạm ngưỡng 100% thì việc đỗ tốt nghiệp không phải là áp lực lớn với các học sinh cũng như các nhà trường. Tuy nhiên, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thế nào sẽ liên quan đến việc các trường đại học sẽ tuyển sinh ra sao, có tiếp tục dùng kết quả thi này để xét tuyển nữa không hay sẽ có thêm nhiều phương án tuyển sinh khác. Tất cả những điều đó quyết định việc học sinh sẽ học gì, các trường sẽ dạy ra sao.
“Mục đích cuối cùng của học sinh trung học phổ thông là đỗ tốt nghiệp và vào được các trường đại học mà các em mong muốn nên việc công bố sớm phương án thi sẽ giúp các nhà trường có kế hoạch đào tạo, học sinh có định hướng học,” thầy Dỵ nói.
Vẫn đang nghiên cứu
Trước những mong mỏi của các thầy cô giáo và cả các em học sinh, phụ huynh, ngày 20/1, tại phiên họp thứ hai của đoàn giám sát của Quốc hội về Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông,” Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể nội dung chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lự nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. (Ảnh: PV) |
Trước đó, ngày 18/2, tại buổi làm việc với Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 - khi học sinh lứa đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới học hết lớp 12 - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay bộ đang rất nỗ lực cùng các chuyên gia bàn thảo, thống nhất phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông để trình Chính phủ xem xét, sau đó sẽ công bố.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với yêu cầu đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trên cơ sở giảm áp lực, giảm chi phí tốn kém nhưng vẫn phải đảm bảo trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở xét tốt nghiệp cũng như để các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.
Bộ dự kiến sẽ tập trung kiểm tra, đánh giá vào các môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ). Bên cạnh đó có thể thêm một số môn tự chọn để thuận lợi cho các trường đại học sử dụng kết quả xét tuyển.
Trước thông tin này, từ thực tế đào tạo tại nhà trường, thầy Lê Văn Dỵ cho rằng nên thi tốt nghiệp 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc và hai môn tự chọn. “Thi môn nào, học sinh sẽ học môn đó. Nếu không thi thì dù thầy cô có dạy các em cũng không học hoặc chỉ học đối phó. Vì thế, tôi cho rằng nên thi 6 môn là hợp lý,” thầy Dỵ chia sẻ.
Cũng theo thầy Dỵ, bên cạnh công bố môn thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần công bố định hướng ra đề thi theo kiểu thi truyền thống hay thi đánh giá năng lực để nhà trường có sự điều chỉnh dạy và học phù hợp.