Quyết định bãi bỏ công văn
Ngày Nay xin đi thẳng vào trường hợp cụ thể là cô Đ.T.M.L. - giáo viên thuộc Tổ Giáo dục công dân trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM). Cụ thể, năm 2010, cô L. được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tuyển dụng làm giáo viên môn Tâm lý giáo dục, công tác tại trường THPT Tân Phong (quận 7). Năm 2012, cô L. được bổ nhiệm ngạch viên chức và trực tiếp tham gia giảng dạy từ đó đến nay.
Cô L. trải qua quá trình công tác tại trường THPT Tân Phong và giảng dạy môn Hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Sau đó, cô L. chuyển công tác về trường THPT Nguyễn Văn Linh với chức danh nghề nghiệp là Giáo viên THPT hạng III, giảng dạy môn Tâm lý giáo dục và công việc thực tế là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân. Đến năm 2021, cô L. tiếp tục chuyển công tác về trường THPT Nguyễn Công Trứ và cũng tham gia công tác tư vấn tâm lý, sinh hoạt dưới cờ,….
Ngày 27/6/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ban hành văn bản phân công giảng dạy đối với viên chức. Theo đó, Sở đã hướng dẫn Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với cô L. để phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của công tác tư vấn tâm lý đang được duy trì từ năm 2015.
Cô L. đang đứng trước nguy cơ không được giảng dạy, trực tiếp lên lớp. Hơn hết, cô L. cho rằng, nếu làm chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý thì cô L. đang từ ngạch viên chức sẽ phải chuyển đổi là nhân viên hợp đồng tại trường. Cô L. thực sự bất ngờ và lo lắng khi nhận được văn bản trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Suốt 13 năm công tác, dù được bổ nhiệm vào viên chức ngạch Giáo viên trung học môn Giáo dục tâm lý; nhưng thực tế, cô L. giảng dạy môn Hướng nghiệp, Giáo dục công dân.
Cho đến khi nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, cô L, mới biết rằng vị trí giáo viên tâm lý không còn và đã bị bãi bỏ từ năm 2015 bằng Quyết định số 5616/QĐ-UBND ngày 03/11/2015 “Về bãi bỏ Công văn số 5344/UBND-VX ngày 22/08/2008 của UBND TP về định viên các chức danh trong tổ chức bộ máy các trường học tại TP.HCM”.
Nội dung tại Điều 2 của Quyết định 5616/QĐ-UBND có nêu: “Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung một số chức danh cần thiết trong tổ chức bộ máy các trường học tại TP.HCM mà trong Thông tư không có quy định”.
Họ “tái sử dụng” giáo viên Tư vấn tâm lý như thế nào?
Gần 8 năm sau từ thời điểm Công văn số 5344/UBND-VX bị bãi bỏ, cô L. vẫn đứng lớp giảng dạy môn Giáo dục công dân mà không có văn bản yêu cầu phải thay đổi chức danh nghề nghiệp cho phù hợp. Cho đến nay, cô L. chính thức nhận được câu trả lời từ ông Trần Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo bằng công văn 394/TTr ký ngày 29/06/2023 liên quan đến kiến nghị về việc phân công giảng dạy tại trường.
Theo đó, để tạo điều kiện cho cô L. yên tâm tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ thực hiện tuần tự các nội dung. Cụ thể, lập hồ sơ thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với cô L. gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để xem xét bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của công tác tư vấn tâm lý đang được duy trì từ ngày 03/01/2015 đến nay.
Đồng thời, tạo điều kiện để cô L. được tham gia học văn bằng 2 (tự túc kinh phí - PV) thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THPT có chuyên ngành đào tạo phù hợp Chương trình phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT với thời hạn tham gia và hoàn thành khóa học văn bằng 2 tính đến ngày 31/12/2026.
Sau khi cô L. đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT thì lập hồ sơ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để được xem xét bổ nhiệm xếp lương vị trí giáo viên. Kế đến, cô L. được phân công dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo đúng chuyên ngành được đào tạo văn bằng 2 của cô L. và phân công kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học sinh; đồng thời, tính hưởng các chế độ liên quan đến vị trí giáo viên theo quy định.
Đó là trường hợp điển hình mà giáo viên Tư vấn tâm lý đã hết “hạn sử dụng” và phải tự “tái chế” bằng cách phải tự túc học văn bằng 2 tại TP.HCM.