Tờ Guardian (Anh) cho biết biểu tình bạo lực đã xảy ra tại ít nhất 30 thành phố Mỹ, bắt nguồn từ việc việc cảnh sát bắt giữ và khiến công dân da màu George Floyd tử vong tại bang Minnesota hôm 25/5.
Trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, một cảnh sát đã ghì đầu gối lên cổ của Floyd khiến người đàn ông 46 tuổi này lịm dần. Trước đó, Floyd đã van xin cảnh sát: “Làm ơn. Tôi không thở được”. Viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd trong 8 phút. Sau đó không lâu, Floyd qua đời trong bệnh viện.
Cái chết của Floyd khiến dư luận bất bình về tình trạng bạo lực từ lực lượng cảnh sát đối với cộng đồng người Mỹ da màu. Biểu tình kéo theo bạo loạn đã xảy ra.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 9 giờ 30 phút ngày 1/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Mỹ là 1.837.170 trường hợp, trong đó có 106.195 người tử vong. Mỹ không có bảo hiểm toàn dân, do vậy dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến cộng đồng người da màu, đặc biệt là nhóm sống tại khu vực thành thị chật chội.
Hình ảnh nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, đứng sát nhau đã gây lo ngại về khả năng lây lan dịch COVID-19.
Thị trưởng Washington DC – bà Muriel Bowser - ngày 31/5 phát biểu: “Tôi lo ngại rằng việc biểu tình đông người trên đường phố trong khi chúng ta mới chỉ nới lỏng lệnh phong tỏa có thể dẫn đến gia tăng số ca mắc COVID-19”. Thị trưởng Muriel Bowser cũng nhấn mạnh đã rất rỗ lực để kiềm chế COVID-19 trong thời gian qua.
Bà Muriel Bowser bổ sung: “Có một số người đeo khẩu trang trong tối hôm trước, nhưng cũng có người không đeo. Một số người tuân thủ giãn cách xã hội, nhưng những người khác lại đứng ngay gần nhau. Vì vậy chúng tôi không hề muốn có sự kết hợp giữa virus chết người này và biểu tình, gây ảnh hưởng đến cộng đồng chúng ta. Chúng tôi đã nỗ lực để không có tụ tập đông người”.
Thống đốc bang Maryland Larry Hogan cũng có quan điểm tương tự. Thị trưởng Atlanta – bà Keisha Lance-Bottoms - cũng nói rằng “vô cùng quan ngại” về dịch COVID-19 và biểu tình khiến bà xao nhãng việc đối phó với đại dịch này. Ngày 30/5, bà Bottoms phát biểu tại một cuộc họp báo: “Nếu tối hôm trước bạn tham gia biểu tình thì nên xét nghiệm COVID-19 trong tuần này”.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định: “Biến động xảy ra trùng hợp với dịch COVID-19. Nhiều người đã mất việc. Họ tự cách ly tại nhà. Họ lo lắng và căng thẳng. Tất cả bắt nguồn từ vấn đề này”.
Thị trưởng thành phố New York - Bill de Blasio - nói rằng biểu tình hòa bình là quyền của công chúng nhưng biểu tình đồng nghĩa với một tương lai không chắc chắn.
Ông Bill de Blasio nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều thất vọng về bất công, bất công trong dịch bệnh. Đại dịch đã phơi bày sự bất bình đẳng, kèm theo thực tế là người dân phải trải qua hai tháng sống trong nhà. Chúng tôi không biết được mùa hè sẽ kéo theo điều gì. Chúng tôi khuyến khích bất cứ ai ra ngoài biểu tình nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, nếu có thể cần tuân thủ giãn cách xã hội”.
Theo Sở Y tế Georgia, tại bang này, số người Mỹ gốc Phi mắc COVID-19 cao hơn rất nhiều so với những chủng tộc khác.
Bác sĩ Ashish Jha tại Trường Y tế Công cộng TH Chan (Mỹ) đánh giá khẩu trang đóng vai trò quan trọng trong ngăn lây lan COVID-19 tại biểu tình.