Người đàn ông 36 tuổi mô tả công việc của mình là đánh giá các tiêu chí như giá cả, loại vải và chất lượng sản xuất, từ đó giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt khi mua quần áo.
“Một số thương hiệu mới có sản phẩm chất lượng tốt, nhưng chưa ai từng nghe nói về chúng. Một số bán với giá cao vì thuê người nổi tiếng quảng cáo. Một số cho rằng họ có những bộ sưu tập mới nhất, nhưng thực sự đã lỗi mốt từ ba thập kỷ trước", Jin chia sẻ.
Từng là một biên tập viên cho tạp chí thời trang "Yoho!", nhưng sau khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Jun đã quyết định bỏ việc và muốn định hướng mình trở thành một người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang.
"Tôi là một doanh nhân tự thân, tôi tự tạo các video và sản xuất các sản phẩm dựa trên thiết kế của mình", Jin nói. “Khi tìm kiếm các gợi ý về giày sneaker, những người trẻ tuổi không còn tìm tới các phương tiện truyền thống nữa. Họ sẵn sàng xem các bài đăng của những người có ảnh hưởng trên mạng”.
Jin Qu cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự chấp nhận của công chúng đối với ngành thương mại điện tử và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi. Ảnh: SCMP |
Jin là một trong số những người trẻ tuổi dám từ bỏ công việc truyền thống để chuyển sang những ngành nghề mới nổi được hỗ trợ bởi hệ thống các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Vào tháng 4, nền tảng Bilibili (phiên bản YouTube của Trung Quốc) đã công bố một khảo sát sau khi phỏng vấn hơn 7.000 người ở độ tuổi từ 18-35. Kết quả cho thấy 20% trong số này đã chuyển sang các ngành nghề liên quan tới mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).
Báo cáo cho biết điều này đã làm phát sinh nghề sáng tạo nội dung trên mạng, hay còn được biết đến như là các KOL, những người đăng tải các nội dung video lên các nền tảng trực tuyến và thu hút nhiều lượt theo dõi và các hợp đồng quảng cáo.
Một số người chia sẻ các mẹo chơi game, những người khác lại làm các video hướng dẫn chăm sóc thú cưng, sắp xếp tủ quần áo hoặc nhận xét các nhà hàng, khách sạn.
Trong khi 20% số người được khảo sát cho biết họ đã chấp nhận những nghề mới, 60% nói rằng họ muốn thử nhiều loại công việc mới nhưng vẫn chưa làm được. 80% cho biết họ thích thay đổi nghề nghiệp vì công việc mới phù hợp với sở thích của họ và 40% thích đổi việc vì tôn thờ sự tự do.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về sự lựa chọn nghề nghiệp mới của họ: 80% cho biết họ lo lắng sẽ không kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Các nguyên nhân khác bao gồm tính chất công việc không ổn định và cơ chế bảo hộ lao động không đầy đủ.
Mặc dù kiếm được ít tiền hơn so với công việc trước đây của mình ở tòa soạn, nhưng Jin Qu nói rằng anh cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm.
“Tôi có thể chọn chủ đề video của riêng mình, chẳng hạn như cách bạn nên mặc áo hoodie. Các nhà tài trợ của tôi bao gồm các thương hiệu như Li-Ning và Uniqlo. Khi tôi đến những nơi mà giới trẻ hay lui tới, nhiều người đã nhận ra tôi và xin chụp ảnh cùng”, Jin chia sẻ.
Ở tuổi 20, Mo Yun đã nổi tiếng trên mạng với tư cách là một nhạc công chơi đàn tranh. Vào năm 2018, Mo đã từ bỏ công việc giáo viên để chuyên tâm làm nhạc.
Mo Yun nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc là một mỹ nhân chơi đàn tranh. Ảnh: SCMP |
Với 2,09 triệu người hâm mộ trên Bilibili, Mo Yun cho biết cô kiếm được hơn 60.000 nhân dân tệ mỗi tháng từ công việc trên mạng, cho phép cô có một đời sống thoải mái.
“Gần đây tôi đã đến Đôn Hoàng để thực hiện một video ca nhạc cho quảng cáo cho Mercedes-Benz”, Mo chia sẻ. “Tôi cũng kiếm tiền bằng các khoản tiền thưởng từ người theo dõi trong các video phát trực tuyến".
Mo đã ký hợp đồng với công ty quản lý KOL Collab Asia vào năm 2018 và hiện cô đang chuyển thể các giai điệu cổ của Trung Quốc và kết hợp với âm nhạc hiện đại như jazz và electronica. Các bài hát của cô đã được sử dụng trong các chương trình truyền hình nổi tiếng tại Trung Quốc.
Ngoài đàn tranh, Mo Yun còn là người quảng bá các mẫu quần áo mang phong cách Hán phục. Cô cho biết công việc hiện tại giúp cô quảng bá được nhiều giá trị truyền thống của Trung Quốc cho người trẻ.
“Trước đây tôi là giáo viên dạy tiếng Trung dạy một kèm một", Mo chia sẻ. "Các nền tảng trực tuyến cho phép tôi tương tác với nhiều người hơn. Ngoài người hâm mộ Trung Quốc, tôi cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người tới từ Hàn Quốc".
Giáo sư Ton Wilthagen tại Đại học Tilburg (Hà Lan) cho biết sự xâm nhập mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số trong tất cả các ngành nghề đã tạo ra nhiều cơ hội đổi đời cho giới trẻ.
“Nếu họ có kỹ năng tốt trong kỷ nguyên này, họ có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau", ông Wilthagen nói.
Theo giáo sư Wilthagen, giới trẻ ngày nay may mắn hơn cha mẹ thời trước vì họ có nhiều tiện nghi hơn để sắp xếp các công việc linh hoạt.
“Họ không còn tuân theo vòng lặp 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều tại các văn phòng nữa. Đại dịch đã thúc đẩy nhiều người đổi nghề", ông Wilthagen chỉ ra. "Nền kinh tế kỹ thuật số là tương lai, mang lại nhiều cơ hội. Vì những người trẻ tuổi phải làm việc lâu hơn nữa trước khi họ có thể nhận được lương hưu khi về già, họ nên sẵn sàng đầu tư vào việc học tập suốt đời và sống một cuộc sống lành mạnh với chế độ nghỉ ngơi và tập thể dục đầy đủ".
Louisa Wong, chủ tịch điều hành của công ty tuyển dụng Global Sage, cho biết các ngành nghề trực tuyến thường có tiêu chuẩn đầu vào thấp nhưng lại có rào cản thành công cao hơn nhiều so với các công việc truyền thống.
“Một thanh niên am hiểu công nghệ có thể làm YouTube và xây dựng bản thân thành một KOL. Do không có yêu cầu gì cao nên ai cũng có thể làm được. Trên thực tế, có bao nhiêu người được gọi là KOL và có bao nhiều KOL kiếm tiền từ sức ảnh hưởng của mình?", bà Wong thẳng thắn nói.
Bà cũng khuyên giới trẻ nên có kiến thức chuyên môn về một chủ đề để thực sự trở thành KOL thay vì là một trong số vô vàn những người làm nội dung trên mạng.
“Nếu họ không sẵn sàng bỏ ra 60 giờ mỗi tuần để sản xuất nội dung video cho kênh của mình, thì họ sẽ không tiến xa được”, bà Wong nói. “Cuối cùng, chính kỹ năng, kiến thức, nỗ lực và thái độ làm việc của họ sẽ quyết định họ có thể tiến xa như thế nào trong thời đại công nghệ”.