Từ ngày 12-13/8, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện ý kiến tài xế GrabBike kêu gọi tắt ứng dụng để đình công, phản đối về chính sách tăng chiết khấu. Sáng 14/8, có nhiều tài xế tắt ứng dụng, nghỉ chạy xe để phản đối.
Anh Nguyễn Huy, một tài xế GrabBike, kêu gọi tài xế tập trung về một nơi nhất định với đồng phục chỉnh tề, để phản đối hãng. Song song với đó là tắt ứng dụng trong vòng một tuần. Như vậy, tài xế sẽ nhận được sự chú ý của xã hội, truyền thông, để lên tiếng phản đối chính sách chiết khấu mới.
Theo anh Huy, việc tắt ứng dụng, phản đối trong vòng 1 tuần sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến việc kinh doanh của hãng.
Trên các trang mạng xã hội, chính các tài xế cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng mình vẫn phải lo cơm áo, gạo tiền, nên không chạy xe không được. Một số bạn sinh viên nói mình chỉ làm thêm nên phần thu nhập thấp hơn 1 chút không quá đặt nặng. Người khác lại nêu ý kiến nếu đồng ý mức chiết khấu mới thì làm việc, còn không có thể chuyển sang nghề khác.
Tuy nhiên, cũng có tài xế cho rằng lái xe đang phải gánh quá nhiều chi phí, nay lại gánh phần tăng thêm chiết khấu với hãng là bất hợp lý. Số lượng tài xế hiện rất lớn, chỉ cần tăng thêm 5%, hãng sẽ thu được một số tiền khổng lồ từ chính công sức lao động của lái xe.
Ngoài việc tăng mức chiết khấu, nhiều tài xế và khách hàng phản ánh Grab đã giảm đi nhiều chính sách hỗ trợ và tăng giá dịch vụ. Trước đây, Grab từng có hỗ trợ 20% cho các cuốc xe giờ cao điểm. Đến nay chính sách này không còn thường xuyên nữa, trong khi tài xế phải chịu nhiều áp lực về kẹt xe, thời gian chờ đợi… Hiện lái xe được áp dụng thưởng cũng thu hẹp rất nhiều. Chỉ một nhóm nhỏ tài xế có mức doanh thu cao nhất mới có thưởng với mức 5%, bằng đúng mức tăng chiết khấu mà Grab mới áp dụng.
Anh Nam, tài xế Grab sống tại quận Tây Hồ, cho biết việc hãng thưởng bằng 5% coi như áp dụng mức chiết khấu cũ là 15% (mức hiện tại là 20%). Tức tài xế gần như không được thưởng nhiều như trước nữa.