Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Báo cáo tình hình chuẩn bị hàng Tết, ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt lợn (tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng thường).
Tuy nhiên, từ tháng 2/2019 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên số lượng lợn tại các cơ sở chăn nuôi giảm. Theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 có khoảng gần 1,2 triệu con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn (tăng so tháng 9 là 4.600 tấn), so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết còn thiếu 3.500 tấn.
“Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng trong một tháng qua cho thấy, công tác tái đàn đã bước đầu đạt kết quả và sẽ giúp tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2019, các sản phẩm thịt khác từ hoạt động chăn nuôi có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn tương đối dồi dào: sản lượng thịt bò tăng 0,6%, sản lượng thịt gia cầm tăng 18%, sản lượng thủy sản tăng 5,9%, cơ bản đáp ứng được một phần số thịt lợn còn thiếu”- ông Nguyễn Thanh Hải nói.
Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6-7% lượng hàng hoá so với Tết 2019. Các doanh nghiệp thương mại lớn như Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình từ 10-25% so với năm ngoái, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Với mặt hàng thịt lợn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tổng đàn trên địa bàn thành phố để xác định lượng cung. Sở Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa thịt lợn về Hà Nội, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc bán theo giá niêm yết để xử lý nghiêm tình trạng tăng giá bất hợp lý, bám sát diễn biến thị trường để điều hành cung cầu. Các doanh nghiệp rà soát lại kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống siêu thị, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá. Ngoài ra, các ngân hàng bảo đảm đủ tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn dự trữ hàng Tết...