Các nhà chức trách Indonesia cho biết, tàu ngầm KRI Nanggala 402 do Đức chế tạo đã lên kế hoạch thực hiện các bài tập phóng ngư lôi vào sáng sớm thứ Tư.
"Sau khi được cấp phép theo thủ tục, tàu ngầm đã mất tín hiệu và không thể liên lạc được", Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo.
Một máy bay trực thăng được cử đi tìm kiếm con tàu mất tích đã phát hiện ra một vết dầu loang ở vùng biển nơi tín hiệu cuối cùng của tàu ngầm được xác định.
Phía hải quân chưa xác định chính xác vị trí của tàu ngầm nhưng đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm dựa trên vết dầu loang.
Người phát ngôn hải quân Julius Widjojono phỏng đoán vệt dầu loang "có thể xuất phát từ phần thân tàu ngầm".
Hai tàu chiến và khoảng 400 binh sĩ đã được cử đi truy tìm con tàu ngầm, trong khi một tàu thứ ba được triển khai từ thủ đô Jakarta.
Hải quân Indonesia cũng đã phát đi tín hiệu cấp cứu quốc tế và "một số quốc gia đã đáp lại và sẵn sàng trợ giúp, bao gồm Singapore, Australia và Ấn Độ".
Vào thời điểm mất tích, có tổng cộng 53 thủy thủ đoàn trên con tàu, được cho là ở dưới mực nước sâu 700 m.
Indonesia, quốc gia đang tiến hành nâng cấp thiết bị quân sự trong những năm gần đây, có 5 tàu ngầm do Đức và Hàn Quốc chế tạo trong hạm đội của mình.
Theo một trang web của chính phủ, tàu KRI Nanggala 402 nặng 1.300 tấn được đóng vào năm 1978.
Đây này là tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện Type 209 được biên chế trong nhiều lực lượng hải quân thế giới, bao gồm Hy Lạp, Ấn Độ, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đây là một chiếc tàu ngầm cổ điển", phó đô đốc hải quân Pháp Antoine Beaussant nhận định. "Nó có độ sâu an toàn là 250 m và nếu ở dưới độ sâu 700 m, nó sẽ bị hư hỏng".