Ngoài hai công ty trên, những gã khổng lồ về công nghệ bao gồm Amazon, Facebook và Apple cũng sẽ bị áp một loại thuế gọi là "thuế Google". Theo đó, các công ty công nghệ lớn sẽ phải trả một số thuế doanh nghiệp nhất định, dù vẫn chưa có con số cụ thể cho mức thuế này.
“Chính phủ sẽ có cơ sở để đánh thuế họ nếu thỏa thuận đạt được. Hiện tại, mọi thứ vẫn chưa hoàn thiện”, một quan chức của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết trong ngày 01/06.
Động thái trên nằm trong làn sóng toàn cầu nhằm đánh thuế các doanh nghiệp sinh lợi dựa trên quốc gia tạo ra doanh thu cho họ, chứ không phải quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính. Nhiều công ty công nghệ nặng ký trên thế giới từ lâu đã có xu hướng thành lập trụ sở chính tại các quốc gia có mức thuế suất thấp để được giảm hoặc tránh đóng thuế. Trong khi đó, lợi nhuận họ thu được lại đến từ toàn thế giới qua các hoạt động kinh doanh trực tuyến mà không giới hạn ở một quốc gia cụ thể nào.
Kế hoạch của OECD được cho là vạch ra chi tiết các cách thức để sửa đổi chế độ đánh thuế của các nước thành viên, trước những chuyển dịch nhanh chóng của hoạt động kinh doanh số. Đồng thời cũng tìm các giải quyết vấn đề xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), chống lại các chiến lược khai thác lỗ hổng hay sự chưa phù hợp trong quy tắc thuế để chuyển lợi nhuận sang các khu vực không thu hoặc có thuế suất thấp.
Một điểm cũng sẽ gây tranh cãi trong kế hoạch lần này là sự thúc đẩy sửa đổi luật về cơ sở thường trú, hoặc địa điểm kinh doanh cố định tạo ra thu nhập và nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng trong một khu vực pháp lý cụ thể. Điều này cũng bao gồm việc thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu.
Theo hệ thống công bố thông tin điện tử của Dịch vụ Giám sát Tài chính, Google Hàn Quốc cho biết trong ngày 14/04, họ đã ghi nhận mức doanh thu là 220,1 tỷ won (tương đương với 198 triệu USD), tăng khoảng 3,6% so với một năm trước đó.
Lợi nhuận kinh doanh của Google là 15,5 tỷ won, tăng 53,4% so với năm trước. Lợi nhuận ròng trong cùng kỳ là 6,2 tỷ won, tăng 741,2%.
Các con số này tương phản rõ rệt với những doanh nghiệp công nghệ ở Hàn Quốc như Naver và Kakao. Theo báo cáo, doanh thu hàng năm của hai công ty này lần lượt là 5,3 nghìn tỷ won và 4,1 nghìn tỷ won. Sự khác biệt đáng kinh ngạc trên là kết quả của việc lợi nhuận từ doanh thu tại Google Play Store được ghi nhận là doanh thu của Google Châu Á Thái Bình Dương, với trụ sở tại Singapore, chứ không phải Google Hàn Quốc.
Các nhà quan sát trong ngành cũng ước tính doanh số bán hàng trong nội địa của Google Hàn Quốc nằm trong khoảng từ 5 nghìn tỷ đến 6 nghìn tỷ won.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Internet Di động, trong nhóm các doanh nghiệp CNTT và viễn thông, doanh số bán hàng của Google Play vào năm 2019 tại nước này ước tính đạt khoảng 5,7 nghìn tỷ won.
Cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng như Google là Facebook Hàn Quốc. Theo dữ liệu của FSS, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 44,2 tỷ won và lợi nhuận kinh doanh là 11,7 tỷ won vào năm trước. Doanh số bán hàng của Facebook tại Hàn Quốc tăng 10,3% từ 40,1 tỷ won vào năm 2019 và lợi nhuận kinh doanh được báo cáo là tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của công ty cũng đạt 6,3 tỷ won, tăng 33 lần so với 190 triệu won vào năm 2019, nhờ doanh thu quảng cáo đột biến đến từ Instagram.
Chang Pang Hyo, người đứng đầu Ủy ban CNTT tại Liên minh Công dân vì Công lý Kinh tế cho biết, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ thực tế tồn tại trong thế giới ảo và các hoạt động của họ không thể xác định được nếu chỉ dựa trên mã số thuế tại khu vực đặt chi nhánh.
“Những lời kêu gọi đang gia tăng trong việc sửa đổi các luật để đi đến một tuyên bố rõ ràng rằng, các công ty phải chịu thuế ở nơi có khách hàng sử dụng dịch vụ của họ, chứ không phải tại nơi họ đặt trụ sở chính,” ông cho biết.