Hãng tin RT dẫn báo cáo công bố ngày 6/3 của Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA), nơi điều tra các vụ việc cho thấy, số người tử vong sau khi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất đã tăng thêm 4 trong hai ngày qua, lên tổng số 7 người.
Hàn Quốc đã tiêm vắc-xin này cho hơn 296.000 người, khoảng 0,6% dân số nước này, trong tuần triển khai đầu tiên.
Hàn Quốc cho biết, đã ghi nhận hơn 2.800 phản ứng có hại từ vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng chỉ có 24 trường hợp có phản ứng nghiêm trọng, gồm cả 7 người tử vong. Toàn bộ 24 ca có phản ứng nghiêm trọng đều liên quan tới những người tiêm vắc-xin AstraZeneca, loại vắc-xin đầu tiên được phê chuẩn sử dụng ở Hàn Quốc.
Phần lớn các liều vắc-xin ngừa Covid-19 được Hàn Quốc sử dụng cho tới nay là do AstraZeneca sản xuất. Seoul đã ký một hợp đồng nhận hàng triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech nhưng hầu hết các lô hàng lớn tới tháng sau mới nhận được. Cho tới giờ, Hàn Quốc đã tiêm khoảng 5.000 mũi vắc-xin Pfizer-BioNTech và không có ai bị phản ứng có hại nghiêm trọng.
Hàn Quốc là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới và là nơi có những nỗ lực giảm thiểu số ca nhiễm Covid-19 hiệu quả nhất.
Hàn Quốc ghi nhận hơn 92.000 ca nhiễm Covid-19 trong số 52 triệu dân, chỉ 1.632 trường hợp tử vong tính tới ngày 6/3. Trong khi đó, tại Anh – với 67 triệu dân, đã có hơn 4,2 triệu ca nhiễm và 124.000 ca tử vong.
Tuy nhiên, hồi mùa thu năm ngoái, Hàn Quốc đối mặt với một nỗi lo về vắc-xin khi ít nhất 83 người thiệt mạng sau khi tiêm phòng cúm mùa. KCDA cho hay, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc tiêm vắc-xin gây tử vong. Không giống các phản ứng dị ứng nghiêm trọng được cho là có liên quan tới vắc-xin ngừa Covid-19, việc tiêm ngừa cúm không gây ra sốc phản vệ, các báo cáo cho hay.
Hầu hết những người tử vong sau khi tiêm phòng cúm mùa đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền. Ít nhất một trường hợp đầu tiên tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là có liên quan tới người cao tuổi và có bệnh lý từ trước, hoặc cả hai.