Thứ Sáu vừa qua, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra lời đe dọa gửi tới Mỹ rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ tái xây dựng lại các lực lượng hạt nhân nếu như Hoa Kỳ không giảm bớt các sắc lệnh cấm vận đè nặng lên Triều Tiên.
Các bình luận trên xuất hiện trước thềm buổi gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và đối tác Triều Tiên, Kim Yong Choi, tại New York vào tuần này.
Theo những thông tin được đưa bởi cơ quan ngôn luận nhà nước thuộc Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), phía Bình Nhưỡng cáo buộc Washington trong việc tin vào “ý tưởng ngu ngốc rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ xuất hiện tại buổi đàm phán và tuân theo những sắc lệnh Mỹ”, cũng như việc phía Mỹ “không hiểu rằng việc cải thiện mối quan hệ hai bên trong điều kiện cấm vận là không thể đạt được.”
Căng thẳng leo thang khi cả hai bên đều thể hiện thái độ cứng rắn. |
Từ lâu, chính quyền của ngài Trump vốn đã ban hành các sắc lệnh cấm vận đối với Triều Tiên; và chỉ rõ rằng, phía Mỹ sẽ không thay đổi chủ trương đó cho đến khi Triều Tiên từ bỏ các vũ khí hạt nhân của mình dưới sự xác nhận của cộng đồng thế giới.
Trong bài phỏng vấn gần đây với đài CBS, ông Pompeo gọi thông cáo trên chỉ là “lời lạc quẻ” và nói ông không hề lo lắng về giới truyền thông Triều Tiên.
“Chúng tôi biết mình đang đàm phán với ai. Chúng tôi cũng biết vị thế của họ đang ở đâu. Tổng thống Trump đã nhấn mạnh vị trí của nước Mỹ rằng: sẽ không có một sự giảm nhẹ kinh tế nào cho đến khi chúng tôi đạt được mục đích sau cùng của mình.”
Nguy cơ đàm phán sụp đổ
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, chính sự cứng rắn của cả hai bên đang khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên chịu bế tắc kéo dài.
Triều Tiên sẽ chỉ từ bỏ các vũ khí hạt nhân của mình khi mà họ thiết lập được mối quan hệ hòa bình, tin tưởng đối với Mỹ. Ngược lại, phía Hoa Kỳ cương quyết không tạo dựng mối quan hệ hữu nghị cho đến khi Bình Nhưỡng chịu buông tay vũ khí hạt nhân.
Tình trạng này rất dễ vượt quá tầm kiểm soát như chuyện đã từng xảy ra năm 2017 – ông Adam Mount, cộng sự cấp cao và giám đốc ‘Dự án Điều hành Quốc phòng’ thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ nhận định. “Chưa bao giờ nguy cơ đàm phán bất thành và tái xây dựng dự án hạt nhân lại cao như lúc này kể từ khi hai bên bắt đầu có các động thái. Điều này dường như bắt nguồn từ vị thế thay đổi so với trước đây của bọn họ.”
Một cơ sở hạt nhân lớn của Triều Tiên. |
Tuy nhiên, các chuyên gia khác như ông Mount lại chẳng lấy làm bất ngờ đối với hành động của Triều Tiên hiện tại – vốn dĩ việc giương cao vị thế truyền thông trước các cuộc họp ngoại giao đã là chiến lược ưa thích của Bình Nhưỡng từ trước tới giờ.
“Rõ ràng là họ đã đem lại hiệu ứng đòn bẩy và muốn định hướng nghị sự cho các cuộc họp ngoại giao, nhưng nó vẫn đem lại nguy cơ rất lớn sẽ gây ra các tổn thất nặng nề trong suốt quá trình đàm phán.”
Sự nhượng bộ của Triều Tiên
Triều Tiên lên tiếng rằng họ đã thực hiện một vài bước trong việc loại bỏ hạt nhân, và bày tỏ sự không hài lòng khi mà phía Mỹ không hề có sự nhượng bộ đáp lại. Ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng là giảm nhẹ cấm vận và chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Hàn Quốc.
Nhưng giới chuyên gia vạch ra rằng, các hành động này của Triều Tiên vẫn chủ yếu để che mắt và hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Chính quyền của ông Kim Jong Un đã đóng cửa một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa, phá hủy lối vào các địa điểm thí nghiệm hạt nhân, và hứa sẽ đóng cửa nốt cơ sở Yongbyon – nơi mà Triều Tiên sản xuất các vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân – nếu như phía Mỹ cũng thực hiện những “động thái tương ứng”.
“Ý của họ là, tôi đã làm một nửa giao kèo của mình rồi. Giờ tới lượt các ông.” Bà Duyeon Kim, cộng sự hỗ trợ cấp cao tại Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ, và là chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên phát biểu.
Triều Tiên vẫn muốn đợi câu trả lời từ phía Mỹ. |
Bà Kim cũng nói rằng, sẽ thật phi lý nếu như phía Triều Tiên đòi hỏi giảm nhẹ cấm vận mà lại không chịu thực hiện “những biện pháp nghiêm túc để loại bỏ hạt nhân”.
“Điều cần thiết nhất bây giờ một thỏa thuận hạt nhân thật sự – một lộ trình loại bỏ vũ khí hạt nhân cũng như quá trình thiết lập hòa bình rõ ràng để cả hai bên có thể lường trước. Họ không thể cứ đàm phán từng chút mỗi khi có vấn đề phát sinh được.”