Theo những thông tin rò rỉ từ Hồ sơ Panama, công ty luật Mossack Fonseca đã cố tình hợp tác với 33 cá nhân và công ty bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì có liên quan đến khủng bố, rửa tiền v.v.. bao gồm cả các công ty ở Iran, Zimbabwe và Bắc Triều Tiên.
Các công ty này được đăng ký trước khi lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt. Mossack Fonseca đã tiếp tục nhận ủy thác cho họ dù sau này đã bị đưa vào danh sách trừng phạt. Trong số đó có công ty tài chính DCB Finance thành lập năm 2006, có chủ sở hữu và giám đốc ở Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên.
Doanh nhân Nigel Cowie đến Triều Tiên vào năm 1995 khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un) còn nắm quyền. Sau này Cowie trở thành một lãnh đạo của ngân hàng Daedong. Đến năm 2006, Cowie có 70% cổ phần tại ngân hàng này.
Cowie cùng một quan chức cấp cao Triều Tiên là Kim Chol-sam mở DCB Finance Limited thông qua hãng luật Mossack Fonseca ở Panama để làm bình phong cho ngân hàng Daedong. Công ty này được đăng ký tại quần đảo Virgin (Anh).
Mỹ cáo buộc ngân hàng trên cung cấp các dịch vụ tài chính cho 2 công ty gồm Tập đoàn phát triển khoáng sản Korea và ngân hàng thương mại Tanchon.
Tập đoàn Korea là nhà buôn vũ khí chính của Triều Tiên, còn ngân hàng Tanchon là cơ quan tài chính của nước này. Ngân hàng Tanchon là đối tượng của lệnh cấm vận vì có vai trò chính trong việc hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trái phép của Triều Tiên.
Hãng luật Mossack Fonseca (Panama) đã liên kết với công ty của ông Cowie dù biết Triều Tiên rõ ràng là một nơi chứa đầy rủi ro.
Mossack Fonseca có vẻ như đã bỏ qua thông tin chủ và giám đốc của công ty đóng ở Bình Nhưỡng cho đến khi nhà chức trách từ Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) liên hệ với công ty này vào năm 2010 để phản ánh.
Từ năm 2006, ngân hàng Daedong đã dùng công ty DCB Finance Limited để thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế nhằm che giấu sự liên quan làm ăn với Triều Tiên.
Vũ Minh