Trước đó các nhà cổ sinh vật học đã cho rằng cấu trúc sừng đặc biệt trên đầu Walliserops, một loài bọ ba thùy sống cách đây khoảng 400 triệu năm, có thể được sử dụng để chống lại các loài ốc anh vũ cổ đại thèm khát chúng. Các ngạnh có hình dáng như cây đinh ba này có thể dài tới hơn 25 mm, gần bằng kích thước phần còn lại cơ thể của con bọ ba thuỳ. Tuy nhiên Alan Gishlick, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Bloomsburg ở Pennsylvania và đồng nghiệp Richard Fortey thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London đã đi đến một kết luận khác sau khi nghiên cứu mẫu vật hoá thạch Walliserops bất thường với bốn răng thay vì ba.
Theo Alan Gishlick, các cấu trúc phi thường trên cơ thể các sinh vật đòi hỏi những lời giải thích về mặt chức năng phù hợp. Con bọ ba thùy bốn ngạnh mà họ nghiên cứu có kích thước tương đương với những con bọ ba thuỳ Walliserops trưởng thành khác, cho thấy nó đã đạt đến tuổi thọ tối đa của giống loài này. Bằng chứng này chống lại giả thuyết rằng đinh ba là vũ khí phòng thủ, vì sự bất thường về mặt cấu trúc này có thể khiến bọ ba thùy dễ dàng bị tổn thương hơn, trong khi đó các cấu trúc dùng để cạnh tranh bạn tình ít cấp thiết hơn đối với sự sống còn nên được phép “dị tật ngoại hình”.
Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm thêm bằng chứng ở loài bọ cánh cứng tê giác Nhật Bản hiện đại (Trypoxylus dichotomus), loài có cấu trúc dị dạng tương tự ở trên đầu. Những cấu trúc ấy của bọ cánh cứng đực được sử dụng trong các cuộc giao đấu tranh giành bạn tình với những con đực khác thay vì bảo vệ bản thân chống lại kẻ săn mồi.
Đây cũng là trường hợp của hươu và cừu hoang dã, khi sừng của chúng liên quan nhiều đến việc đối đầu với các đối thủ cùng loài hơn là đẩy lùi những kẻ săn mồi.
Mặc dù giới tính của bọ ba thùy hóa thạch rất khó xác định nhưng những điểm tương đồng giữa bọ ba thuỳ Walliserops và bọ cánh cứng tê giác đã khiến Gishlick và Fortey cho rằng những con Walliserops mang những chiếc sừng như đinh ba là con đực. Theo Gishlick, “Bất cứ điều gì cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về sự sống trong quá khứ và thử nghiệm các giả thuyết một cách nghiêm túc nhất đều rất quan trọng trong việc tìm hiểu sự tiến hóa về hình dạng và chức năng của các loài động vật”.
“Thật ngạc nhiên khi thấy rằng những hành vi phức tạp như vậy đã xuất hiện từ rất sớm trong quá trình tiến hóa và tồn tại cho đến ngày nay”, Jean Vannier, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Lyon (Pháp) và không tham gia vào nghiên cứu trên nhận định.