Vào Đại Cổ sinh ở các đáy đại dương tồn tại những đám “rừng thưa” tuyệt đẹp đung đưa trong làn nước mặn. Mới nhìn qua thì đó là một loại cây có tán lá xoè rộng. Thân phân đốt đều đặn có khi cao tới vài ba mét. Gốc toả ra nhiều “rễ” để bám vào đáy đá rắn hoặc bùn. Mỗi “tàu lá” tựa như một tàu dừa với muôn vàn lưỡi kiếm có khả năng co lại vẫy nước lượm mồi, bởi vì trong “cuống lá” có một hệ thống mạch máu và dây thần kinh. Thật ra chúng là những con Huệ biển (Crinoidea - tiếng Hy Lạp nghĩa là hoa huệ). Miệng của chúng nằm ở khoảng giữa gốc của các “tàu lá” linh hoạt được gọi là tay ấy. Mặt tiếp xúc giữa các đốt cuống Huệ biển rất đa dạng và là một trong những đặc điểm hình thái quan trọng nhất để phân loại nhân tạo nhóm hóa thạch này. Cuống Huệ biển được kết thúc bằng những nhánh dạng rễ cây để bám chắc. Đôi khi phần gốc cuống có dạng một cái mỏ neo đặc biệt phình lên như củ cây.
Huệ biển (Crinoidea) xuất hiện vào kỷ Ordovic cách đây 488 triệu năm và phân bố rộng rãi trong Đại Cổ sinh, là các loài động vật biển thuộc lớp Crinoidea của động vật. Chúng là nhóm động vật da gai cổ nhất tồn tại đến ngày nay, cùng họ với sao biển và nhím biển. Phần lớn Huệ biển bị tiêu diệt vào cuối kỷ Permi, trừ một họ sống qua Trias và phát triển tiếp thành những nhóm mới còn tồn tại đến ngày nay.
Hình ảnh một số loài Huệ biển còn tồn tại đến ngày nay |
Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc với độ cao 1400m so với mực nước biển ngày nay là cao nguyên đá, nhưng tại đây các nhà khoa học đã tìm được hóa thạch của nhiều loại động, thực vật biển như Huệ biển; Cá da phiến; San hô; Chân bụng; các loại Tay cuộn; Hai mảnh vỏ…
Hiện nay trên Trái Đất chỉ còn tồn tại 600 loài Huệ biển. Ở Vịnh Bắc Bộ chúng ta có thể gặp hậu duệ của Huệ biển cổ đại tuy nhiên chúng không có thân cao mảnh dẻ như tổ tiên xa xưa nữa. Các nhà động vật học gọi chúng là Huệ biển không cuống.