Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cấm hay quản đều khó

Xung quanh việc ban hành Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên…”, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Có cấm được không?

Vài năm trở lại đây, việc học sinh dùng điện thoại thông minh dần trở nên phổ biến và mỗi trường có một cách giám sát, quản lý  khác nhau, trường thì cấm hẳn, trường thì cho sử dụng vào giờ nghỉ. Tuy nhiên, đó là việc cho sử dụng một cách không chính thức nên tuỳ quan điểm của từng trường. Còn gần đây, xung quanh ban hành Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên…”, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc phải cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập với sự giám sát của giáo viên.

Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cấm hay quản đều khó ảnh 1

Học sinh có thể dùng điện thoại trong lớp học ở những giờ cần thiết

Một số học sinh ở các cấp học ở TPHCM khi được hỏi đã sử dụng điện thoại thông minh như thế nào chia sẻ: "Em sử dụng điện thoại để tải các thông tin mà thầy cô đưa lên google classroom, sau đó tụi em trao đổi, bàn luận với nhau". "Phần lớn thời gian trên trường em thấy không đủ nên em về tra tài liệu trên điện thoại và học online thêm". "Đôi khi các tiết học không đủ hoặc đi quá nhanh, trên youtube hoặc google nhiều người đã giảng và thu lại các video mà tụi em có thể  lên xem".

Có thể thấy, việc sử dụng điện thoại phục vụ học tập không còn xa lạ đối với nhiều học sinh. Thường thì các em dùng điện thoại ở nhà hoặc vào giờ ra chơi ở trường. Các em cho rằng, việc dùng điện thoại chủ yếu đề tra từ điển, xem các video về thí nghiệm, cách giải bài tập…khi học các môn tự nhiên và ngoại ngữ. Đồng thời, các em cũng thừa nhận rằng, sau khi dùng điện thoại để học thì đa số đều tiếp tục chơi trên điện thoại và không ít em mất quá nhiều thời gian cho điện thoại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, học tập. Do đó, học sinh cần được hướng dẫn, giám sát nhiều hơn từ giáo viên và phụ huynh để có thể dùng điện thoại một cách hiệu quả.

Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cấm hay quản đều khó ảnh 2

Học sinh trường THPT Hùng Vương TPHCM dùng điện thoại để xem bài học vào giờ ra chơi

Ở trường THPT Nguyễn An Ninh, bà Lê Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho sử dụng. Dùng điện thoại trong một số môn học khá hiệu quả, nhất là trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên, học sinh nghỉ học và học online. Do đó, với quy định dùng điện thoại trong giờ học có sự giám sát của giáo viên, bà Phượng và nhiều giáo viên ủng hộ, đồng thời đề xuất ngành giáo dục nên có sự chuẩn bị bằng các khoá tập huấn cho cả giáo viên lẫn học sinh.

"Vấn đề đặt ra ở đây là ý thức tự thân học sinh sử dụng điện thoại như thế nào, kiểm soát như thế nào; vấn đề giáo viên kiểm soát và quản lý trong một tiết học ra sao. Đó là giải pháp, kỹ năng, tập huấn cho các em là rất cần thiết, đồng thời giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng quản lý trong tiết học", bà Lê Thị Phượng chia sẻ.

Ông Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương, TPHCM cho biết, trước khi có Thông tư 32, nhà trường tuyệt đối cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng ngoài giờ các em có thể sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Có điều, nhà trường rất trăn trở là làm sao các em tự kiểm soát được mình trong quá trình sử dụng thiết bị thông minh.

"Về phía nhà trường, thầy và trò ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh vào dạy và học. Thông tư 32 chúng tôi sẽ làm để đưa vào nhưng cần một quá trình dài thứ nhất là để làm công tác tư tưởng cho các em, thứ hai là cơ sở hạ tầng cho việc này, về nền tảng kỹ thuật phải kết nối wifi, 3G. Còn hậu kiểm soát thì theo tôi cũng dễ thôi", ông Huy nêu quan điểm.

Trên thực tế, dù các trường đều đang cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, thậm chí là trong khuôn viên trường học, nhưng học sinh vẫn sử dụng. 

Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Cấm hay quản đều khó ảnh 3

Học sinh thẳng thắn bày tỏ ủng hộ dùng điện thoại để học trong giờ học

Phải tìm cách quản lý

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh, Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM cho biết, ngành giáo dục TPHCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị công nghệ phục vụ dạy và học trong giờ học. Còn sử dụng như thế nào cho hiệu quả là do nhà trường và các thầy cô giáo. 

"Thông tư 32 theo kịp thực tế hiện nay. Trước giờ theo quy định của Bộ thì trong giờ học là cấm, còn trong trường học thì không cấm. Thực tế trong nhiều trường học của TP này thì trong trường học thầy cô cấm, nhưng trong giờ học nếu như giáo viên bộ môn có nhu cầu và tổ chức dạy học có sử dụng trang thiết bị, trong đó có điện thoại để khai thác tiện ích phục vụ cho dạy và học thì các nhà trường đều cho phép", ông Trọng cho hay.

Khi đã xác định việc cho học sinh THPT, THCS dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập, được sự cho phép của giáo viên là cần thiết thì tất yếu ngành giáo dục và từng trường, từng giáo viên, từng học sinh đều phải có sự chuẩn bị.

PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng ủng hộ việc cho các em dùng điện thoại thông minh trong giờ học nhưng phải đảm bảo các em sử dụng đúng mục đích và nên xem đây là một kỹ năng mềm mà các em cần có trong thời đại hiện nay. Muốn như vậy, cần có các giải pháp giám sát, giới hạn, bao gồm cả giải pháp công nghệ là làm sao để học sinh chỉ tiếp cận được những trang mạng, những phần mềm cần thiết. Việc này các chuyên gia hoàn toàn làm được, nhưng đòi hỏi giáo viên cũng phải nâng trình độ ứng dụng công nghệ của mình lên.

"Chúng ta nói ứng dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực của cuộc sống xuất phát từ học sinh mà không rành công nghệ, thậm chí cô giáo trong lớp hay giảng viên, người hướng dẫn cho sinh viên cũng không rành công nghệ, không hướng dẫn được cho các em thì rất khó đề sau này các em tiếp cận công nghệ. Tác hại chỉ có khi ta dùng quá nhiều. Có nhiều cách để kiểm soát trong nhà trường, tuy nhiên cần một số kỹ năng để làm. Chúng ta có thể tập huấn cho giảng viên, giáo viên làm thế nào để kiểm soát tốt", PGS.TS Trần Mạnh Hà cho biết.

Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục khuyến khích giáo viên và học sinh hãy biến thách thức thành cơ hội trong việc sử dụng điện thoại. Theo một số khảo sát gần đây, kỹ năng về công nghệ thông tin chiếm 25% chìa khoá thành công trong cuộc sống của giới trẻ. Học sinh của chúng ta sử dụng điện thoại phục vụ học tập là cần thiết và cách quản lý việc sử dụng này cũng rất cần thiết. Trong rất nhiều cách quản lý thì việc giáo viên giữ điện thoại của các em và chỉ đưa ra khi cần thiết là cách cuối cùng.

"Smart phone được quản lý như thế nào, dùng như thế nào. Chúng ta có 3 nhóm giải pháp: tự thân học sinh quản lý, tập thể quản lý và vai trò của người lớn trong quản lý. Không có điện thoại thông minh hay ngu ngốc mà chỉ có cách sử dụng nó thông minh hay ngu ngốc", bà Diễm đặt vấn đề.

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không chỉ có những ý kiến trái chiều ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng như vậy. Nhưng phải thừa nhận, nếu học sinh làm chủ được công nghệ, làm chủ được cách sử dụng điện thoại thông minh của mình thì lợi ích về kiến thức và kỹ năng thu về là không nhỏ, Vì vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tiếp cận, nhìn nhận việc này ở góc độ tích cực và tìm cách giảm bớt những tác hại, những tiêu cực do dùng điện thoại gây nên.

Theo VOV
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.