Hơn 1.000 tác phẩm của Picasso được bán dưới dạng kỹ thuật số

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Hậu duệ của Pablo Picasso đang có kế hoạch bán đấu giá hơn 1.000 tác phẩm gốm sứ chưa từng ra mắt trước công chúng của nhà đại danh họa dưới định dạng kỹ thuật số. Đây là hành động nằm trong nỗ lực tích hợp nghệ thuật đời thực với thị trường kỹ thuật số đang ngày càng sôi động trên thế giới.
Gia đình Marina và một tác phẩm trong bộ sưu tập gốm sứ sắp được đấu giá của Picasso.
Gia đình Marina và một tác phẩm trong bộ sưu tập gốm sứ sắp được đấu giá của Picasso.

Tiến vào địa hạt nghệ thuật đỉnh cao

Theo đó, những người đam mê Picasso và blockchain có thể tìm mua các tác phẩm thuộc lô gốm được danh họa sáng tác từ tháng 10 năm 1958 qua tài khoản NFT của Marina Picasso, cháu gái ông.

“Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một cầu nối giữa NFT và thế giới mỹ thuật”, Florian Picasso, con trai của Marina nói trong một buổi phỏng vấn với AP. Hiện tại, hai mẹ con Marina đang sống ở Geneva, nuôi hy vọng giới thiệu các tác phẩm của Picasso – một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng rộng khắp của thế kỷ 20 và cũng là người tiên phong cho trường phái lập thể - bằng phương thức số hóa đang phổ biến trong giới nghệ thuật.

Với việc mua mã NFT từ Marina, các nhà sưu tập sẽ không được sở hữu bản vật lý gốm của Picasso hoặc quyền đối với hình ảnh mô tả tác phẩm. Họ chỉ sở hữu những mã kỹ thuật số có chứa bản sao giới hạn của một hiện vật gốm, thứ mà những người thừa kế hy vọng giá trị của chúng ngày càng tăng lên.

Những năm trở lại đây, NFT đã gây chấn động lớn trong thế giới nghệ thuật, khi các doanh nhân và nhà tài chính dự đoán loại hình này sẽ thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong tương lai. Điều này đã khiến những phiên bản kỹ thuật số được đánh giá cao và dần có chỗ đứng trong thị trường.

Các nhà sưu tầm cũng bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ để tìm mua các tác phẩm của một số nghệ sĩ đã thành danh hoặc không chuyên. Vào tháng 3 năm ngoái, một bức tranh kỹ thuật số của Beeple - họa sĩ đang sinh sống tại Nam Carolina - đã thu về 69 triệu đô la. Con số trên đã khiến tác phẩm của Beeple trở thành tác phẩm có mức giá cao thứ ba từ trước đến nay cho một tác phẩm của nghệ sĩ còn sống. NFT cũng cho phép người sáng tạo nội dung số thu tiền bản quyền mỗi khi tác phẩm của họ đổi chủ.

Đợt bán NFT gần nhất gây chú ý trên toàn thế giới thuộc về cuộc đấu giá một số bản thu gốc của The Beatles, trong đó có tuyệt phẩm nổi tiếng “Hey Jude” của Paul McCartney. Julian Lennon, con trai của John Lennon, cũng công bố chi tiết về thương vụ, trong đó nhấn mạnh người mua có thể sở hữu một loạt các kỷ vật của The Beatles dưới dạng NFT.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghệ thuật đã đưa ra ý kiến nghi ngờ về hình thức bán các mã kỹ thuật số trên và lưu ý rằng NFT chỉ tạo nên cơ chế tài chính chứ không phải sản phẩm nghệ thuật thực sự. Họ cũng cảnh báo một lượng lớn điện năng sẽ bị hao phí trong quá trình chuyển đổi và mua bán tác phẩm kỹ thuật số, khiến hình thức này trở nên kém thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tài sản số cũng được ví như một xu hướng mang tính thời vụ hoặc bong bóng, nên giá trị mà chúng mang lại có thể sụp đổ rất nhanh mà không có sự đảm bảo từ các bên liên quan.

Mối quan hệ phức tạp

Về phần Marina, bà chia sẻ với báo giới rằng gốm là một lĩnh vực lớn trong nghệ thuật và mang đầy tính biểu cảm. Các tác phẩm trong bộ sưu tập lần này của Picasso được bà lựa chọn theo thông điệp về niềm vui, hạnh phúc. Đó cũng là các tác phẩm đã gắn bó nhiều năm với Marina cùng các con.

Trong bức ảnh mới nhất để giới thiệu sản phẩm, Marina và con trai chỉ hé lộ một phần nhỏ của món đồ gốm có kích thước như một chiếc to lớn với một gạch màu vàng và xanh lá cây cùng con số “58” dưới đáy. Dự kiến bản NFT của tác phẩm sẽ được kết hợp cùng âm nhạc biên soạn bởi Florian Picasso – vốn là một DJ và nhà sản xuất âm nhạc - nhạc sĩ John Legend và rapper Nas

Marina Picasso là con gái duy nhất với người vợ đầu của Paulo Picasso - con trai cả của đại danh họa. Sau khi Picasso qua đời năm 1973 mà không để lại di chúc, cháu gái Marina của ông đã nhận quyền thừa kế 1/5 tài sản với ước tính khoảng 10.000 tác phẩm nghệ thuật. Marina được cho đã bán một phần trong đó, đặc biệt là các bộ sưu tập đồ gốm sứ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian vào năm 2015 , Marina Picasso từng mô tả mối quan hệ của bà với người ông quá cố là “phức tạp” vì trong suốt thời thơ ấu khốn cùng, bà và gia đình chưa từng nhận được từ Picasso một điều gì, ngay cả một bản phác thảo nhỏ để cải thiện kinh tế.

“Trái ngược với điều đó, tôi biết ông ấy từng cho đi rất nhiều tác phẩm giá trị của mình chỉ để thưởng công cho thợ cắt tóc hoặc bồi phòng”, Marina kể về cách hành xử của Picasso khi còn tại thế.

Cũng theo AP, song hành cùng NFT, các tác phẩm dưới dạng vật lý cũng được bán như một tác phẩm nghệ thuật thông thường trong cuộc đấu giá sắp tới. Một phần số tiền thu được từ việc bán NFT sẽ được gia đình Marina chuyển đến một số tổ chức từ thiện nhằm giải quyết tình trạng thiếu điều dưỡng viên và bảo vệ môi trường.

Theo AP, The Guardian
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.