Ngày 17/1, Tổng Cục trưởng Năng lượng mới và Tái tạo và Bảo tồn năng lượng thuộc ESDM, ông Dadan Kusdiana nhấn mạnh: “Mục tiêu năm 2022 là 3,91 tỷ USD. Chúng tôi hy vọng thu hút lượng vốn đầu tư đáng kể vào lĩnh vực địa nhiệt và năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và điện Mặt Trời”. Ông Kusdiana cho hay 3,91 tỷ USD vốn đầu tư nói trên bao gồm 950 triệu USD trong lĩnh vực địa nhiệt, 2,79 tỷ USD cho các loại năng lượng mới và tái tạo, 160 triệu USD cho năng lượng sinh học, và 10 triệu USD trong lĩnh vực bảo tồn năng lượng.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện trong lĩnh vực năng lượng sạch của Indonesia đạt 1,51 tỷ USD, gồm 680 triệu USD vào các dự án địa nhiệt; 480 triệu USD vào các dự án năng lượng mới và tái tạo; 340 triệu USD vào các dự án năng lượng sinh học, và 10 triệu USD vào lĩnh vực bảo tồn năng lượng.
Ông Kusdiana khẳng định rằng khoản đầu tư nói trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hấp thụ lực lượng lao động trong nước và phục hồi nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong 5 năm qua, tổng công suất phát điện từ các dự án năng lượng mới và tái tạo đạt 1.730 MW, tăng trung bình 4,3% mỗi năm. Riêng năm 2021, công suất sản xuất năng lượng sạch của Indonesia đã tăng thêm 654,78 MW, nâng mức đóng góp của các loại năng lượng mới và tái tạo lên 11,5% tổng công suất phát điện toàn hệ thống, so với mức 11,2% vào năm 2020.
Trong năm nay, Chính phủ Indonesia sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh sự phát triển năng lượng sạch, trong đó có việc hoàn tất quy định của tổng thống về giá năng lượng mới và tái tạo; và triển khai quy định của Bộ trưởng ESDM về hệ thống điện mặt trời áp mái.
Theo ông Kusdiana, Chính phủ Indonesia cũng sẽ ban hành quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học; ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch; tạo thuận lợi cấp phép kinh doanh; và thúc đẩy gia tăng nhu cầu sử dụng điện.