Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc họp Ủy ban chung về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015), ông Bagheri Kani nêu rõ: "Nếu bên còn lại chấp thuận quan điểm và lập trường hợp lý của Iran, vòng đàm phán tiếp theo có thể là vòng đàm phán cuối cùng và chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận trong khoảng thời gian nhanh nhất".
Trả lời câu hỏi về việc giảm thiểu bất đồng giữa hai bên trong đàm phán hiện nay, ông Bagheri Kani cho hay bên đàm phán còn lại đã nhất trí rằng lập trường của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ được đưa vào văn kiện dự thảo hạt nhân và sẽ là cơ sở của vòng đàm phán tiếp theo.
Cũng trong ngày 17/12, nhà đàm phán hạt nhân Iran thông báo các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ tạm ngừng vài ngày trước khi bắt đầu vòng đàm phán kế tiếp. Một quan chức giấu tên cho hay các cuộc đàm phán sẽ nối lại vào ngày 27/12 tới, trong khi một quan chức khác tuyên bố đàm phán sẽ diễn ra vào giai đoạn giữa Giáng sinh và Năm mới
Trước đó cùng ngày, các nhà ngoại giao châu Âu tham gia đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA cho biết các bên đã đạt được "một vài tiến triển về mặt kỹ thuật", song cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều, đồng thời họ kêu gọi Tehran tăng tốc khi đàm phán được nối lại.
Trong tuyên bố được Anh, Pháp và Đức đưa ra sau vòng đàm phán mới nhất tại Vienna, các nhà đàm phán nêu rõ: "Có một vài tiến triển về mặt kỹ thuật trong vòng 24 giờ qua, song điều này chỉ đưa chúng ta tới gần điểm dừng hồi tháng 6 năm nay khi các cuộc đàm phán ngừng lại. Chúng ta đang nhanh chóng đi tới cuối con đường cho cuộc đàm phán này... Chúng tôi hy vọng rằng Iran có thể nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán và tham gia một cách có tính xây dựng để các cuộc đàm phán có thể diễn ra với tốc độ nhanh hơn".
Các nhà đàm phán châu Âu cũng nhấn mạnh thêm rằng chỉ còn vài tuần chứ không phải vài tháng trước khi các lợi ích về không phổ biến vũ khí hạt nhân mà thỏa thuận mang lại sẽ hết hiệu lực.
Theo Thỏa thuận JCPOA được Iran và các nước P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký kết năm 2015, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.
Vòng đàm phán thứ 7 giữa Iran và các cường quốc tham gia JCPOA, trừ Mỹ, đã được nối lại tại Vienna, 6 tháng sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đắc cử. Trong vòng đàm phán mới này, yêu cầu hàng đầu của phía Iran là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, trong khi phía Mỹ muốn thấy Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận trước tiên.