“Két Lala” của Ngày xửa Ngày xưa: “Tôi thấy bình yên trong cõi riêng của mình”

(Ngày Nay) - Tôi gặp nghệ sĩ Thanh Thủy vào một ngày đầu tháng 10/2024 - là thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của chị sau một năm tất bật với sân khấu.

Lẽ ra, vào thời điểm đó chị đã có mặt ở Tây Bắc nhưng nhóm tiền trạm thiện nguyện báo tin về, tình hình sạt lở đất vẫn còn nguy hiểm nên kế hoạch cứu trợ, khám chữa bệnh được dời vào cuối tháng 10. Theo dự định ban đầu, tôi muốn trao đổi với chị nhiều về ý nghĩa từ thiện, nhưng rồi câu chuyện mở rộng ra ý nghĩa của kiếp nhân sinh cũng như buồn vui của đời nghệ sĩ.

“Két Lala” của Ngày xửa Ngày xưa: “Tôi thấy bình yên trong cõi riêng của mình” ảnh 1
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Trước đây không lâu, chị xuất hiện dày đặc trên gameshow và phim truyền hình, nhưng hơn một năm qua im hơi lặng tiếng ngay trên cả mạng xã hội. Cuộc sống của chị có gì thay đổi không?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Về sân khấu, năm qua là một năm tôi bận rộn tại Idecaf gồm cả mảng kịch thiếu nhi và kịch người lớn. Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” vẫn còn sức hấp dẫn quá mạnh mẽ với các em thiếu nhi nên chúng tôi phải phục vụ hết mình. Ở mảng kịch người lớn, công ty Thái Dương chủ quản hai sân khấu Idecaf và Nhà hát Thanh Niên, chia rõ 2 phong cách. Idecaf vẫn theo dòng kịch văn học, lịch sử có chiều sâu thẩm mỹ và Nhà hát Thanh Niên trẻ trung, sôi động, đơn giản mạnh tính giải trí phù hợp với tuổi teen. Phong cách của tôi phù hợp với Idecaf nên tôi tập trung sức lực tại đây. Tôi ít xuất hiện trên truyền thông đại chúng nhưng vẫn đang cháy với nghề.

Nhìn lại, tôi đang thấy mình thích hợp hơn với chốn riêng tư của mình. Ở đó, tôi trồng hoa trong khuôn viên nhà và nghe tiếng chim vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Lâu lâu tôi đàn và hát một mình hoặc với con gái. Có khi tôi tự hỏi mình có bị vấn đề tâm lý gì không mà sao không còn thích cái ồn ào ngoài kia nữa. Với mạng xã hội, thực ra trang facebook của tôi chỉ để dùng cho việc trao đổi công việc hay những điều dí dỏm. Nhưng bạn biết không, tôi bị choáng vì trên mạng người ta tức giận nhau nhiều quá, dùng nhiều lời lẽ nặng nề để ném vào nhau. Tôi thấy mệt và rút vào cõi riêng của mình, tôi thấy bình an hơn.

“Két Lala” của Ngày xửa Ngày xưa: “Tôi thấy bình yên trong cõi riêng của mình” ảnh 2

Nghệ sĩ Thanh Thủy hoá thân cảm động vào vai người mẹ vở Út ơi, má dìa.

Vở kịch “Út ơi má về” (tác giả Trung Dân, tựa cũ “Tiếng vạc sành”, đạo diễn Thanh Thủy) do chị đạo diễn và tái diễn trên sân khấu Idecaf đã lấy nước mắt của rất nhiều khán giả. Trong đó, chị hóa thân vào vai người mẹ đau khổ một cách… xuất sắc. Hình như cũng lâu rồi chị mới trở lại sở trường kịch tâm lý, thể loại vai mà người ta ví chị là một phù thủy biến hóa cảm xúc?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Nghệ thuật là hành trình muôn màu muôn sắc và người nghệ sĩ cần phải có sự đa dạng. Bạn mạnh một thể loại nhưng nếu cứ hóa thân mãi vào một loại tính cách, hay một phong cách, sẽ đến lúc bạn thấy mình nhàm chán, và muốn làm gì đó khác đi. Hơn nữa, trong bối cảnh sân khấu ngày nay, một nghệ sĩ muốn tìm một vai diễn ưng ý không phải là điều dễ dàng. Vài năm qua, tôi kiêm thêm vai trò người thầy. Tôi đặt tâm trí mình vào việc dạy dỗ các em trưởng thành. Khi trở lại Idecaf ở giai đoạn mà mọi người gần như bắt đầu lại, tôi cũng cần thời gian để tìm ra hướng đi.

Sau một lúc loay hoay, tôi quyết định dựng lại “Tiếng vạc sành” của Trung Dân, một kịch bản rất hay về tình người và hơi thở cuộc sống. Trung Dân quá bận rộn, nhiều show trong và ngoài nước nên không thể hợp tác với tôi trong vai trò diễn viên, vậy nên Đại Nghĩa thế vai ông bán hòm của Trung Dân, và quyết định đổi lại tên vở là “Út ơi, má dìa”. Thành công của vở diễn là một bất ngờ đối với tôi. Tôi nói là bất ngờ vì tôi quan sát thấy hình như khán giả đang thích những vở vui cười, nhẹ nhàng hơn là kịch tâm lý. Nhiều bạn trẻ thổ lộ rằng họ xem vở diễn 5 - 6 lần mà lần nào cũng khóc, càng thấy thương mẹ mình nhiều hơn. Tôi nhận ra rằng kịch văn học, những vở diễn lắng đọng vẫn luôn có sức hút mạnh mẽ, dù lượng vé bán ra có thể thấp hơn kịch dành cho tuổi teen.

“Két Lala” của Ngày xửa Ngày xưa: “Tôi thấy bình yên trong cõi riêng của mình” ảnh 3
Nghệ sĩ Thanh Thủy diễn ăn ý với Đại Nghĩa tại sân khấu Idecaf.

Điều đó có nghĩa là chị sẽ tiếp tục với dòng kịch này?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Nói chính xác hơn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đồng tình giữ Idecaf lại với phong cách vốn có của nó, còn Nhà hát Thanh Niên vẫn là nơi dành cho dạng kịch tuổi teen. Tôi thấy anh ấy cân bằng được cả hai thứ nghệ thuật và giải trí là điều hay. Dòng kịch văn học đã tạo nên giá trị thương hiệu của Idecaf, và như bạn thấy hai kịch mục mới “Út ơi, má dìa”, “Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” (tác giả Phạm Văn Quý, chỉnh lý Võ Tử Uyên, đạo diễn Hoàng Duẩn) đã tạo ấn tượng sâu sắc, và bán vé rất tốt. Điều này thúc đẩy chúng tôi lựa chọn kịch bản mới cũng thuộc dòng kịch văn học kinh điển, và đang ráo riết tập luyện. Do sân khấu muốn giữ bí mật đến thời điểm hợp lý mới công bố nên ngay lúc này tôi chưa thể tiết lộ. Chỉ có thể nói rằng đó là một kịch bản độc đáo, và vai diễn của tôi cũng đặc biệt.

Nhiều năm qua, chị tham gia làm từ thiện rất nhiều nhưng khá lặng lẽ. Điều gì thúc đẩy chị làm điều này và kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất trong các chuyến đi?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Anh chị em chúng tôi được thừa hưởng sự giáo dục chu đáo từ gia đình. Cha mẹ tôi luôn nhắc nhở chúng tôi về ân phước mà mình được nhận trong cuộc đời. Dần dần theo thời gian, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, hãy nên chia sẻ trong khả năng của mình. Tôi có một nhóm bạn thân là doanh nhân, bác sĩ, họ không có nhu cầu nổi tiếng và xem việc thiện nguyện thực sự là niềm vui. Tôi tham gia cùng họ và thấy mỗi một chuyến đi đều là niềm an lạc. Thế nhưng, có lúc đứng trước cảnh tan thương của đồng bào, trong lòng tôi buồn về nỗi đoạn trường của kiếp người.

Tôi nhớ không lầm thì đoàn chúng tôi đến vùng núi Hương Hóa của Quảng Bình sau khi lũ lụt đã rút. Bạn biết không, trên đường đi bùn sình, khúc khuỷu, lúc đó chúng tôi còn nghe mùi của cơ thể người đã qua đời còn đọng lại. Chúng tôi thắp hương cầu nguyện rồi tiếp tục đi đến những gia đình đã trắng tay vì lũ. Chúng tôi không ai nói với ai nhưng trong lòng buồn rười rượi và tự dặn lòng còn quá nhiều người cần được san sẻ từ các nhà hảo tâm. Năm nay, lũ lụt xảy ra ở miền Bắc còn lớn hơn năm ấy, nhiều nơi chúng tôi sẽ đến, tan hoang, người dân không còn gì trong tay. Chúng tôi nôn nóng đi từ sớm nhưng tình hình sạt lở vẫn tiếp diễn khó lường khiến anh chị em trong đoàn cần thông tin chi tiết và chuẩn bị kỹ hơn. Chúng tôi sẽ khởi hành đến với bà con Tây Bắc vào cuối tháng 10 này.

“Két Lala” của Ngày xửa Ngày xưa: “Tôi thấy bình yên trong cõi riêng của mình” ảnh 4

Chân dung đời thường nghệ sĩ Thanh Thủy.

Chị nghĩ gì trước làn sóng tẩy chay nghệ sĩ quyên góp từ thiện, thưa chị?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Tôi nghĩ mỗi một người phải đối diện với chính lương tâm của mình. Ai làm đúng thì không sợ dư luận, ai làm sai phải sửa đổi. Trong xã hội chúng ta ngày nay, hầu như việc gì cũng có thể chia hai phe và gây tranh cãi. Ai bị cuốn vào dòng xoáy ấy chắc chắn sẽ rất mệt mỏi. Đó là lý do tôi đứng một góc đường và nhìn dòng người vận động xung quanh. Tôi không dám đặt mình vào sự việc tranh cãi, và làm từ thiện càng cẩn trọng. Tôi chỉ làm trong khả năng cùng với vài người bạn thân, tôi không dám kêu gọi quyên góp.

Thần sắc của chị lúc này rất sáng và vẻ đẹp trên gương mặt vẫn còn chưa phai, chị có bí quyết gì không, thưa chị?

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Thực ra thì cơ thể tôi đã dự báo cần phải nâng cấp và phục hồi đấy chứ. Tôi ăn uống khoa học hơn, tranh thủ nghỉ ngơi hợp lý hơn. Thời gian ở nhà tôi nghe Phật pháp nhiều hơn. Chỉ vậy thôi!

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện và chúc chị luôn bình an!

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.