“Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say...”
Rồi chẳng biết tự bao giờ, thơ ông cứ thế ngấm vào tuổi hoa niên, đi cùng bao lứa học trò suốt thời cấp ba nhiều biến động. Như một lẽ nghiễm nhiên, tôi say những trang viết ấy đến tận bây giờ - khi quyển vở chép vội vần thơ ngày trước đã úa vàng, giảng đường rộng mở, và ước mơ không chỉ còn khuôn biệt trong một khoảng sân trường.
Mà thơ là báu vật chung, đâu của riêng ai. Nên một cô cậu nào đó tuổi tròn trăng hay bậc lão niên đầu lấm tấm hoa râm chợt bật ra câu thơ nào đấy của ông thì tôi cũng chẳng lấy làm lạ. Chuyện yêu đương, nhung nhớ, trót tương tư rồi lại bị khước từ hay thầm nuôi lớn mối tình đơn phương bằng nước mắt, khao khát, ảo vọng rồi tự mình đau đớn, tự mình xót xa,... mọi phức hợp ấy ai không trải qua ít nhất đôi lần? Như là hờn trách, như là luyến thương, nhà thơ đắng đót:
“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi”
Sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội lại là con trai nhạc sĩ nổi tiếng - Hoàng Giác, thơ ông cứ mang vẻ lấp lánh của đời sống thị thành. Ở đó có nét “tiểu tư sản” của những “cậu ấm cô chiêu” được chiều chuộng. Ừ thì hoa rụng, tình tan. Ta bơ vơ trong đường tình dang dở. Em cũng đến, nhưng cô gái ngày xưa đã chết. “Như cánh chim trong mắt của chân trời”, lời giả dối mãi chỉ là những lời sáo rỗng. Trong thời khói lửa năm 1971, ông - chàng thư sinh đang học dở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội - nhập ngũ. Làm bạn với chiến trường, thơ ông vẫn sáng lên nét phố long lanh. Nó vượt lên sự tàn khốc của bom đạn, của những mất mát, sôi sục nhiệt huyết thanh niên nhưng vẫn hồn nhiên một thời phố cổ.
![]() |
Tác giả bài viết xin gửi lại ông đôi dòng viết vụn như một lời cố tri cho cây bút tài hoa! |
Thi sĩ cầm súng, chữ nghĩa của Hoàng Nhuận Cầm luôn đẹp dù viết về chủ đề nào. Từ tình yêu tuổi ngọc đến thi ca chiến trường, thơ ông tạo những rung động mỹ cảm bằng nhạc tính và sự đa sắc của ngôn từ:
“Cuối cánh rừng, rơi xuống mấy ngôi sao
Ngày mai ở đấy sẽ bay lên tiếng hát
Chung quanh đây nhiều hố bom rách nát
Chung quanh đây nhiều chồi non dịu mát
Sẽ là nơi tôi thức đợi mặt trời.”
Chẳng cầu kỳ niêm luật, không đóng khung trong tầng lớp lý luận nặng nề, mỗi lần sáng tác Hoàng Nhuận Cầm đều cởi ra mọi khuôn khổ và họa cảm bằng thơ. Song câu từ dùng đúng chỗ, “đắt” thì thơ mới hay ngược lại cố nắn chữ nghĩa cho bay bổng, hoa mỹ mà chưa “nồng” đã “nhạt” thì trang viết chỉ toàn là xác chữ vô hồn. Vì “với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa” (Bạch Cư Dị). Cân bằng giữa yếu tố lãng mạn và hiện thực, hòa trộn tác phẩm bằng những gam màu đa sắc của ngôn ngữ, Hoàng Nhuận Cầm đã đi rất hay trên ranh giới sáng tạo của văn chương.
Rồi hòa bình lặp lại, gã thư sinh ấy lại viết thơ. Những kịch bản và sản phẩm phim truyền hình cũng lần lượt ra đời trong thời kỳ hậu chiến. Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội - mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy… cứ mãi đi về trong tiềm thức khán giả. Và cả Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu; Thơ với tuổi thơ (2004) cho đến Chiếc lá đầu tiên đã trở thành ký ức của nhiều thế hệ. Đi quá nửa đời người, tác phẩm của ông dù mang nhiều màu sắc suy tư vẫn không vắng đi những mỹ từ…
Như con chim hót rất hay và chỉ hót duy nhất một lần trong đời, người nghệ sĩ ý thức rõ thiên chức của mình. Trước khi cất tiếng hót hay nhất, đẹp nhất con chim phải lao mình vào bụi mận, để chiếc gai sắc nhọn xuyên qua lồng ngực. Và tiếng hót bắt đầu nghĩa là sự sống đã tận sinh. Đời Hoàng Nhuận Cầm có bao nhiêu ngày vui? Chỉ ông mới rõ. Nhưng nếu văn chương chính là con người thì tôi nghĩ bản nhạc đời ông ít có nốt bổng. Ngang giá với những vần thơ, trang viết tuyệt hảo phải chăng luôn là nỗi đau sâu kín của người cầm bút? Vì:
“Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn
Một nỗi buồn lẽ ra không nên có
Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn...”
Chính ông đã đau đáu trong trang thơ viết dở thời hiện đại. Và trong con đường nghệ thuật, ông chọn riêng mình một lối rẽ chẳng giống ai: “Mây một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh”. Chân phương mộc mạc hay sôi nổi đắm say, đau đáu ân tình hay mang nỗi buồn man mác, không cần phân tích rạch ròi, đó mới là cảm nhận thơ ca. Và dù chưa một lần được gặp ông, cả bạn và tôi đều không quên hình ảnh sân trường và chiếc lá, không quên nàng Bạch Tuyết và những chú lùn, không quên cánh hoa vàng lả tả rơi trong những ngày cuối cấp…
“Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.”
Chiếc lá kia phải đến lúc về cội, văn đàn giờ đây thêm vắng bóng một thi nhân. Viên xúc xắc mùa thu lặng thinh nằm giữa lòng phố cổ, sẽ chẳng còn một Bác sĩ Hoa Súng thoắt vui, thoắt buồn. Nhưng chắc chắn trong rất nhiều đêm trắng, tôi sẽ lại đọc thơ ông. Vì tôi tin, người chết sẽ tiếp tục cuộc hành trình ở thế giới bên kia, họ chỉ thật sự chết đi khi trên đời chẳng còn ai nhớ đến tên mình.
Hôm nay, cũng trong đêm hạ trắng, xin gửi lại ông đôi dòng viết vụn như một lời cố tri cho cây bút tài hoa!
CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN
(HOÀNG NHUẬN CẦM)
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi.
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.