Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn nhưng giá BĐS vẫn "neo" ở mức cao, thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Trái ngược với sự sụt giảm về mức giá và thanh khoản của sản phẩm đất nền, biệt thự, shophouse, liền kề, nhà phố.
Mới đây Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh,thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Đáng chú ý, trong thông báo,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn nhưng giá BĐS vẫn liên tục neo ở mức cao.
Để có thể cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia BĐS kiến nghị cần có sự "chung tay, góp sức", thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp từ cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng.
Theo đó, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng. Xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện nay,đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của BĐS.
Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi "gây khó" cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Tránh phát sinh các "chi phí bôi trơn", vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc giá bình dân và người mua nhà.
Cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại các dự án theo hướng từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Đối với doanh nghiệp BĐS, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư. Bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại. Chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản.
Giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cần liên tục đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng các thành tựu công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu chi phí.