Tác giả của dự án là hai học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) - Nguyễn Hoàng Minh Khôi và Vũ Phương Thảo.
Phương Thảo cho biết, ý tưởng nảy sinh từ trở ngại của nhiều người khiếm thị muốn đọc sách báo, các loại văn bản. Song ở Việt Nam hiện chỉ có vài phương tiện hỗ trợ như sách chữ nổi, máy đọc sách... Các thiết bị này còn nhiều hạn chế, giá cao nên ít ngưới khiếm thị có thể tiếp cận.
Quy trình hoạt động của kính bắt đầu bằng các cảm biến ánh sáng và khoảng cách thu nhận trị số môi trường để hỗ trợ hình ảnh tốt nhất. Sau đó, camera thu nhận hình ảnh văn bản chuyển về điện thoại để phân tích, nhận diện chữ viết với Google Vision kết hợp Tesseract (kỹ thuật giúp nhận dạng các ký tự trên một bức ảnh), từ đó phát ra âm đọc cho người khiếm thị.
Sau khi thực hiện dự án, hai học sinh đã mang kính đến thử nghiệm tại Hội người mù TP HCM và trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, hai em cải thiện dần khâu tiền xử lý nhận diện văn bản và trau chuốt hơn ở phần hậu xử lý để đưa ra đoạn ký tự hoàn chỉnh, biến thành âm đọc.
Qua các buổi thử nghiệm, nhóm đã nhận được phản hồi khá tốt từ những người khiếm thị khi độ chính xác được đo lường khoảng 89%.
Đại diện nhóm cho rằng, chiếc kính vẫn còn nhiều hạn chế như chưa gọn, nặng, các linh kiện tốn diện tích và tỏa nhiệt gây khó chịu. Các thuật toán của phần mềm chưa tối ưu, phần mềm chỉ chạy được trên hệ điều hành Android nên phải sử dụng điện thoại. Điều này rất bất tiện cho người mù.
"Hiện chúng em tiếp tục nghiên cứu để cải thiện bộ nhận diện, mở rộng thêm nhiều loại ngôn ngữ và hướng tới nhận diện cả chữ viết tay. Kính cũng được thiết kế nhỏ, gọn hơn để người sử dụng thuận tiện hơn", đại diện nhóm cho hay.
Theo VTC News