Đà suy giảm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm nợ gia tăng, nhu cầu mua sắm trong nước giảm, cùng với đó là căng thẳng thương mại với Mỹ trong suốt gần hai năm qua.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có xu hướng dịu lại khi mới đây Bắc Kinh và Washington đã ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", qua đó làm suy giảm áp lực ngắn hạn cho kinh tế Trung Quốc.
"Hiệp định thương mại sơ bộ sẽ giúp mọi người có thêm lý do để lạc quan về tăng trưởng kinh tế của đất nước", ông Ning Jizhe - người đứng đầu cơ quan thống kê của Trung Quốc, cho biết. Vị này nói thêm rằng thỏa thuận sẽ giúp Trung Quốc tăng cường mối quan hệ kinh tế với Mỹ.
Phát biểu sau lễ ký kết thỏa thuận tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng nói rằng ông lạc quan về nền kinh tế của đất nước. Ông cho rằng Trung Quốc đang phụ thuộc ít hơn vào nợ và đang bị thúc đẩy bởi sự đổi mới.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" sẽ giúp thúc đẩy niềm tin cho các nhà đầu tư trong năm nay. Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm thứ Năm đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc trong năm nay lên 5,9% từ 5,7%.
"Việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một là một tín hiệu cho thấy tình hình khó có thể xấu đi", chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty tài chính J.P. Morgan Chaoping Zhu nói.
Nhưng các nhà phân tích cũng đã đặt nghi vấn liệu Trung Quốc sẽ có thể thực hiện đầy đủ các lời hứa của mình căn cứ theo bản thỏa thuận hay không. Cuộc chiến thương mại chưa kết thúc khi thuế quan của Mỹ đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc vẫn còn hiệu lực và phía Washington cho biết hai bên sẽ bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo của thỏa thuận ngay sau đó.
Ngay cả với thỏa thuận "giai đoạn một", Trung Quốc vẫn có những vấn đề khác cần phải lo lắng, theo các nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London.
"Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã có những tiến triển khả quan trong những tháng cuối năm, thế nhưng vẫn còn sớm để gọi đây là đáy của chu kỳ kinh tế hiện tại", theo báo cáo của Capital Economics.
Ông Ning Jizhe cũng thừa nhận rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vẫn hứng chịu áp lực trong năm nay. Nhưng ông cũng nói rằng Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết để giúp ngăn chặn đà suy giảm nghiêm trọng, đi kèm các biện pháp kích thích nền kinh tế. "Điều đó sẽ giúp nền kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định trong năm nay", ông Ning nói thêm