Trên Facebook, ông Ahmad Massoud, người đứng đầu Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRFA), đã đưa ra thông báo về việc xem xét đàm phán với Taliban.
Trước đó, lực lượng Taliban cho biết đã tiến vào thủ phủ của tỉnh Panjshir - thành trì của lực lượng tàn quân chính phủ cũ, sau khi đảm bảo an toàn cho các khu vực xung quanh.
Lực lượng Hồi giáo Taliban đã nắm quyền kiểm soát phần phần lớn lãnh thổ Afghanistan kể từ khi tiến vào thủ đô Kabul và Tổng thống Ashraf Ghani đào tẩu khỏi đất nước.
"Về nguyên tắc, NRF đồng ý giải quyết các vấn đề hiện tại và chấm dứt ngay cuộc chiến và tiếp tục đàm phán", ông Massoud cho biết trong bài đăng trên Facebook. "Để đạt được hòa bình lâu dài, NRF sẵn sàng ngừng giao tranh với điều kiện Taliban cũng ngừng các cuộc tấn công và hoạt động quân sự của họ trên Panjshir và Andarab."
Sau đó, một cuộc họp lớn giữa tất cả các bên với hội đồng Ulema của các giáo sĩ có thể được tổ chức để dàn xếp hòa bình.
Trước đó, truyền thông Afghanistan đưa tin các học giả tôn giáo đã kêu gọi Taliban chấp nhận một thỏa thuận thương lượng để chấm dứt giao tranh ở Panjshir.
Massoud, người dẫn đầu một lực lượng bao gồm tàn dư của quân đội Afghanistan cũng như các chiến binh dân quân địa phương, đã kêu gọi đàm phán với Taliban trước khi giao tranh nổ ra khoảng một tuần trước.
Một số cuộc đàm phán đã được tiến hành nhưng nhanh chóng đổ vỡ, các tay súng Taliban sau đó đã bao vây thành trì của tàn quân chính phủ cũ.
Panjshir, một thung lũng núi hiểm trở vẫn còn rải rác xác xe tăng Liên Xô bị phá hủy từ những năm 1980, từng là nơi các phiến quân miền Bắc Afghanistan hoạt động trong quá khứ.
Dưới thời "người hùng chống Liên Xô" Ahmad Shah Massoud - cha của Ahmad Massoud, Panjshir từng giữ vững quyền tự quản trước quân đội Liên Xô và chính phủ Taliban giai đoạn 1996-2001.
Trong quá khứ, lợi thế của tàn quân Panjshir chính là các tuyến đường tiếp tế giáp biên giới nhiều nước giúp họ bám trụ trước các đợt bao vây. Tháng trước, các tuyến đường này bị cắt đứt bởi Taliban.
Xung đột tại Panjshir là ví dụ nổi bật nhất về việc chính quyền Taliban thiếu sự ủng hộ của dân chúng. Các cuộc biểu tình cá nhân nhỏ lẻ đòi quyền lợi cho phụ nữ hoặc bảo vệ quốc kỳ cũ của Afghanistan cũng đã được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau.
Tướng Mỹ Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã đặt câu hỏi liệu Taliban có thể củng cố quyền lực khi tìm cách chuyển hoạt động đấu tranh du kích sang điều hành đất nước hay không.
“Tôi nghĩ ít nhất có khả năng rất cao sẽ xảy ra một cuộc nội chiến. Điều này sau đó sẽ dẫn đến những điều kiện mà trên thực tế, có thể dẫn đến sự tái thiết của al-Qaeda hoặc sự lớn mạnh của IS", ông Milley nhận định.