Một chỉ huy Taliban cho biết: "Chúng tôi đang kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Những kẻ gây rối đã bị đánh bại và Panjshir hiện nằm dưới quyền chỉ huy của chúng tôi".
Những loạt súng ăn mừng đã vang lên khắp thủ đô Kabul còn các tài khoản Facebook của Taliban liên tục đăng các bài viết thông báo về "sự sụp đổ của Panjshir".
Cựu Phó Tổng thống Amrullah Saleh, một trong những thủ lĩnh của lực lượng đối lập tại Panjshir, cho biết phe của ông vẫn chưa bỏ cuộc.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đang ở trong một tình huống khó khăn. Chúng tôi đang bị Taliban xâm lược", ông Saleh tuyên bố. "Chúng tôi đã giữ vững trận địa, chúng tôi vẫn kháng cự."
Một số nhà lãnh đạo phiến quân khác cũng bác bỏ sự thất thủ của Panjshir, nơi được coi là "thành trì" chống Taliban cuối cùng của Afghanistan.
"Tin tức về các cuộc chinh phạt Panjshir đang lan truyền trên các phương tiện truyền thông Pakistan. Đây là một lời nói dối", Ahmad Massoud, người đứng đầu lực lượng kháng chiến tại Panjshir, cho biết.
Đã có báo cáo về giao tranh và thương vong nặng nề tại thung lũng Panjshir, nơi được bao quanh bởi các ngọn núi và chỉ có một lối vào hẹp. Nhờ có địa hình "dễ thủ khó công", tỉnh Panjshir từng giữ được quyền tự trị trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng và cả sau khi Taliban nắm quyền.
Ngoài việc bình định Panjshir, các lãnh đạo Taliban đang gấp rút thành lập một chính phủ lâm thời. Nhiều nguồn tin khẳng định Mullah Abdul Ghani Baradar - người đồng sáng lập Taliban, sẽ đứng đầu chính quyền mới.
Ưu tiên trước mắt của Taliban có thể là ngăn chặn sự sụp đổ của một nền kinh tế đang vật lộn với hạn hán và sự tàn phá của cuộc xung đột kéo dài 20 năm đã giết chết khoảng 240.000 người Afghanistan.
Afghanistan không chỉ đối mặt với thảm họa nhân đạo mà còn cả các mối đe dọa đối với an ninh do lãnh thổ bị phân chia bởi các nhóm sắc tộc và tổ chức khủng bố.