Thông tin này được đưa ra trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền. Chính sách ngoại giao mà nhà lãnh đạo trẻ tuổi hy vọng sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang lâm vào bế tắc, trong khi đó đại dịch COVID-19 và thiên tai càng khiến nền kinh tế Triều Tiên chồng chất khó khăn.
Một số nhà phân tích cho rằng những thách thức hiện tại có thể tạo điều kiện cho một cơn bão kinh tế tại Triều Tiên gây bất ổn thị trường và xã hội.
Những thách thức hiện tại đã buộc ông Kim Jong-un phải công khai thừa nhận rằng các kế hoạch kinh tế trong quá khứ đã không thành công. Một kế hoạch 5 năm mới để phát triển nền kinh tế đã được ban hành trong đại hội đảng vào tháng 1, nhưng những bình luận của ông Kim trong cuộc họp Ban chấp hành trung ương đảng mới đây không cho thấy sự lạc quan.
Trong phiên họp hôm thứ Năm, ông Kim than thở rằng nội các Triều Tiên đã thất bại trong vai trò là thể chế quan trọng quản lý nền kinh tế, cho rằng các quan chức không đưa ra các kế hoạch khả thi cũng như không thể hiện “quan điểm sáng tạo và chiến thuật rõ ràng”.
Tổng Bí thư Kim Jong-un cho biết các mục tiêu của nội các đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp năm nay là phi thực tế, do nguồn cung cấp vật liệu canh tác hạn chế và các điều kiện bất lợi khác. Ông cho biết mục tiêu sản xuất điện được đặt ra quá thấp, cho thấy sự thiếu khẩn trương khi tình trạng thiếu hụt điện có thể khiến công việc tại các mỏ than và các ngành công nghiệp khác bị đình trệ.
“Nội các đã không đóng vai trò chủ đạo trong việc vạch ra các kế hoạch của các lĩnh vực kinh tế quan trọng và gần như tập hợp một cách máy móc các con số do các bộ soạn thảo”, KCNA dẫn lời ông Kim.
KCNA cũng cho biết ông O Su-yong đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Trung ương trong cuộc họp tuần này, thay thế Kim Tu-il, người mới chỉ được bổ nhiệm vào tháng 1.
Trong đại hội đảng mới đây, ông Kim đã kêu gọi tái xác nhận quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hóa chất và kim loại. Ông cũng tuyên bố sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của mình nhằm gây áp lực với chính phủ mới của Mỹ.
Các lĩnh vực như kim loại và hóa chất sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Triều Tiên trong việc hồi sinh sản xuất công nghiệp, vốn đã bị suy yếu bởi các lệnh trừng phạt và đại dịch. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng các kế hoạch phát triển mới của Triều Tiên không khác biệt đáng kể so với các kế hoạch trước đó.
Các quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết cũng có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang thực hiện các động thái mạnh mẽ để tăng cường kiểm soát của chính quyền trung ương đối với thị trường, bao gồm cả việc ngăn chặn việc sử dụng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác.
Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp như vậy, rõ ràng là nhằm buộc người dân đổi tiền tiết kiệm ngoại tệ của họ lấy đồng won nội tệ, cho thấy nguồn dự trữ ngoại tệ của nhà nước đang cạn kiệt.