Theo "Báo cáo lương năm 2016" của JobStreet.com, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức lương thấp nhất so với khu vực. Đặc biệt có sự chênh lệch lớn với Singapore (5-6 lần), Malaysia (2-3 lần), thể hiện rõ nhất ở nhóm lao động mới tốt nghiệp và nhân viên 1-3 năm kinh nghiệm.
Theo mạng tuyển dụng này, sự chênh lệch giữa lao động Việt Nam và các nước còn lại là do hạn chế cả kỹ năng lẫn tố chất của cấp bậc mới tốt nghiệp. Tính ổn định trong công việc của đối tượng này tương đối thấp, khi có đến 89% tập trung vào xin việc chứ không nghiên cứu kỹ công việc. Điều này cho thấy rủi ro “nhảy việc” của người lao động rất cao.
Sự chênh lệch mức lương có xu hướng giảm dần ở cấp bậc quản lý và quản lý cấp cao. Điều này phản ánh thị trường lao động Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ chênh lệch mức lương giữa Việt Nam và hai nước Singapore, Malaysia đang có xu hướng tăng lên theo từng năm. Đây là lý do để sự dịch chuyển nhân sự trong nước hướng đến hai quốc gia này ngày một lớn.
Số liệu thống kê của JobStreet.com cho thấy Singapore đang là điểm đến hàng đầu của nhân sự có trình độ tại Việt Nam, chiếm 80%. Theo sau là Malaysia và Philppines với 12%.
Nếu nhân sự có năng lực trong nước có xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia lân cận thì phân khúc nhân sự ở cấp quản lý trong nước lại là "sân chơi" của lao động ngoại.
Khảo sát của Ngân hàng HSBC cho thấy Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất tại khu vực châu Á cho người lao động nước ngoài có mong muốn cải thiện tài chính cá nhân. Điều này cũng không khó hiểu khi lương nhân sự cấp cao người nước ngoài tại Việt Nam thường rất cao, thậm chí gấp 50 lần mức trung bình của lao động Việt Nam.
Ngoài ra, mạng việc làm này cũng công bố khảo sát "Xếp hạng các công ty được khao khát nhất tại Việt Nam và khu vực". Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia đang chiếm ưu thế trên hầu hết các quốc gia trong khu vực về yếu tố thu hút nhân tài.
Bảng xếp hạng còn cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận công việc của thế hệ tri thức trẻ ở Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong khi mức lương và đãi ngộ là những yếu tố thu hút đứng đầu ở Hong Kong, Singpaore và Malaysia thì người lao động Việt Nam lại quan tâm nhiều hơn đến cơ hội được đào tạo và phát triển nghề nghiệp.
Đây là cơ sở để doanh nghiệp nội có thể thu hút nhân tài thay cho việc cạnh tranh trực tiếp trên mức lương.