Renata Dwan, Giám đốc viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hiện nay đang ở ngưỡng cao nhất kể từ Thế chiến II. Bà Renata Dwan đã gọi đây là vấn đề khẩn cấp mà thế giới nên nghiêm túc hơn để nhìn nhận và đánh giá.
Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị LHQ cho biết tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang có chương trình hiện đại vũ khí của mình và điều này diễn ra trong bối cảnh vấn đề kiểm soát vũ khí đang thay đổi, một phần do cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Renata Dwan, Giám đốc viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc |
“Việc kiểm soát vũ khí đang bị xói mòn do sự xuất hiện của các loại chiến tranh mới, với sự phổ biến ngày càng tăng của các nhóm và lực lượng vũ trang khu vực tư nhân. Sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới cũng làm mờ đi ranh giới giữa tấn công và phòng thủ”, bà Dwan nói với các phóng viên trong cuộc họp ở Geneva.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế nên nghiêm túc nhìn nhận về nguy cơ xảy ra cuộc chiến hạt nhân trong bối cảnh hiện nay. Bà Dwan khẳng định rủi ro xảy ra xung đột hạt nhân đang ở ngưỡng cao nhất kể từ Thế chiến II.
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, được ủng hộ bởi Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), đã giành giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2017. Văn bản của hiệp ước đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu gần như nhất trí vào ngày 7 tháng 7 năm 2017, trong đó có 124 trong số 193 thành viên của Liên Hiệp Quốc tham gia. Hội nghị dẫn tới hiệp ước này chủ yếu bị tẩy chay bởi tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân, cũng như của tất cả các thành viên NATO (ngoại trừ Hà Lan).