Ba tuần trước, cô bé 13 tuổi chỉ nặng 9 kg khi nhập viện ở thủ đô Sanaa của Yemen với tình trạng suy dinh dưỡng. Bây giờ cô bé đã tăng thêm 6 kg.
“Cháu sợ khi phải về quê, tình trạng của con bé sẽ xấu đi vì thiếu thức ăn dinh dưỡng. Cả nhà cháu không có thu nhập",Muhammad Shami - anh trai của Ahmadiya, tâm sự.
Hai anh em Ahmadiya nằm trong số 16 triệu người Yemen đang sống trong cảnh đói ăn, theo Liên Hợp Quốc. Trong số đó, 5 triệu người đang trên bờ vực đói kém, giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock cảnh báo.
Đầu tuần này, Liên Hợp Quốc hy vọng sẽ huy động được khoảng 3,85 tỷ USD tại một sự kiện gây quỹ để ngăn chặn điều mà ông Lowcock cho là nạn đói “nhân tạo” quy mô lớn, điều tồi tệ nhất mà thế giới sẽ chứng kiến trong nhiều thập kỷ.
Cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua đã đẩy Yemen vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.
Khoảng 80% người dân Yemen cần được giúp đỡ, với 400.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Phần lớn lương thực của Yemen phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
“Trước chiến tranh, Yemen đã phải đối mặt với vấn nạn suy dinh dưỡng, nhưng đó là một quốc gia có nền kinh tế hoạt động hiệu quả, một chính phủ cung cấp dịch vụ cho khá nhiều người dân”, ông Lowcock nói với các phóng viên. "Chiến tranh đã phá hủy phần lớn tất cả những thứ đó".
Nạn đói và đại dịch
Một liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen vào năm 2015 sau khi phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ lật đổ chính phủ của đất nước khỏi thủ đô Sanaa. Nền kinh tế sụp đổ cộng với đó là đại dịch COVID-19 càng khiến cuộc sống của người Yemen thêm tang thương.
Các quan chức Liên Hợp Quốc đang cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Yemen là một vấn đề cần ưu tiên, tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ cho các bên giao tranh và yêu cầu chiến tranh “phải kết thúc”.
12 nhóm viện trợ, bao gồm Oxfam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Chăm sóc Quốc tế, đã cảnh báo rằng 2,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Yemen sẽ đói ăn trong năm nay nếu các chính phủ không tăng cường viện trợ.
Muhsin Siddiquey, giám đốc quốc gia của Oxfam tại Yemen, kể lại cuộc trò chuyện với một cô gái 18 tuổi, hiện sống trong một khu trại tị nạn ở phía bắc Yemen.
“Cô ấy nói rằng đại dịch coronavirus mang đến cho chúng tôi hai lựa chọn tàn nhẫn: chúng tôi ở nhà và chết vì đói, hoặc chúng tôi ra ngoài và sau đó chết vì căn bệnh này", Siddiquey nói.
Các số liệu chính thức hiện đang đánh giá thấp tình trạng dịch bệnnh COVID-19 ở Yemen, theo Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ.
Trong năm 2018 và 2019, Liên Hợp Quốc đã ngăn chặn nạn đói nhờ lời kêu gọi viện trợ được đáp ứng, bao gồm các khoản đóng góp lớn từ Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait.
Vào năm 2020, Liên Hợp Quốc chỉ nhận được hơn một nửa trong số 3,4 tỷ USD mà họ cần do các nước không đóng góp nhiều như trước.