Mark Lowcock, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp kêu gọi các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới - G20 tăng cường hỗ trợ chống lại sự lây lan của virus Corona tại 63 quốc gia thu nhập thấp.
Ông cho biết: “Đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu sắp tàn phá các quốc gia dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp. Phản ứng của những quốc gia giàu có cho đến hiện tại vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Nếu không hành động kịp thời, virus sẽ có thể lây lan toàn cầu, phá hủy hàng thập kỷ phát triển và tạo ra một thế hệ với đầy những thảm kịch và vấn đề liên quan đến xuất khẩu”. Ông nhấn mạnh: “Đây là vấn đề có thể khắc phục bằng dòng tiền từ các quốc gia giàu có và suy nghĩ mới từ các cổ đông của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như những người ủng hộ các cơ quan của LHQ, phong trào Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ, các tổ chức phi chính phủ...”.
Tính đến ngày 15/7, đã có hơn 13 triệu trường hợp mắc COVID-19 trên toàn thế giới và gần 580.000 ca tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Lowcock lo ngại, nếu các nước G20 không hành động ngay bây giờ, tất cả sẽ phải đối mặt với một loạt bi kịch nhân đạo tàn khốc hơn cả những tác động trực tiếp đến sức khỏe của đại dịch: “Các nước giàu có đã phá bỏ các quy tắc khi nói đến việc bảo vệ nền kinh tế của chính mình. Họ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt tương tự đối với các quốc gia cần giúp đỡ khác”. Ông tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ còn gay gắt và có sức tàn phá mạnh hơn, đẩy chúng ta ra khỏi vùng an toàn”.
Các cơ quan của LHQ ước tính rằng do sự gián đoạn của các hệ thống y tế bởi đại dịch, khoảng 6.000 trẻ em có thể tử vong mỗi ngày vì các bệnh dịch có thể phòng ngừa được, trong khi con số tử vong hàng năm do HIV, lao và sốt rét, có thể tăng gấp đôi.
Trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Idlib, Syria đã được báo cáo vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về sự bùng nổ tàn khốc bệnh dịch trong các trại đông đúc, nơi hàng triệu người phải di dời bởi đất nước xung đột kéo dài gần một thập kỷ.
Cần ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất
Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu phòng chống COVID-19 đề cập đến các tác động nhân đạo của đại dịch ở 63 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, và hỗ trợ các nỗ lực của họ để chống lại.
Kế hoạch này ưu tiên hỗ trợ các nhóm công dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bao gồm người già, người khuyết tật, người di cư, phụ nữ và trẻ em gái.
Kế hoạch được triển khai từ cuối tháng 3, ngay sau khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu. 1,7 tỷ đô la đã được huy động kể từ đó, sau đó bổ sung thêm 300 triệu đô la để tăng cường phản ứng nhanh chóng từ các tổ chức phi chính phủ, 500 triệu đô la để ngăn chặn nạn đói và tập trung hơn vào việc ngăn chặn bạo lực giới.