Sau nửa đêm, khi đám đông những người vui chơi đã về nhà, Choi Young-soo thu mình trong một con hẻm tồi tàn ở quận Gangnam xa hoa của Seoul. Đây là lúc người đàn ông 35 tuổi, làm nghề giao đồ ăn, bước ra khỏi căn phòng nhỏ bé của mình, mà theo mô tả của Choi là chỉ lớn hơn cái quan tài một chút.
Những gì đang xảy ra với Choi không khác mấy hoàn cảnh của những thí sinh trong loạt phim "Squid Game" đang nổi đình đám trên nền tảng toàn cầu. Loạt phim kể về cách 456 thí sinh, vốn đều là những con nợ, tham gia hàng loạt trò chơi sinh tồn để giành lấy số tiền thưởng khổng lồ.
Nhưng hoàn cảnh bế tắc của Choi là có thật, anh chỉ là một trong hàng triệu người bình thường ở Hàn Quốc vướng vào nợ nần.
“Tôi cảm thấy người ta coi tôi như một kẻ thất bại, vì vậy tôi chỉ ra ngoài vào ban đêm để hút thuốc và hít thở không khí”, Choi nói.
Quay trở lại với "Squid Game", loạt phim này thu hút người xem trên toàn cầu không chỉ bởi những trò chơi chết chóc, mà còn khắc họa về sự độc hại của chủ nghĩa tư bản kiểu Hàn Quốc.
Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng trong những năm gần đây và hiện tương đương hơn 100% GDP - mức chưa từng thấy ở các nước châu Á.
Nợ nần đi đôi với chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng đáng kể, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, trong khi giá bất động sản ở các thành phố lớn vượt quá khả năng của hầu hết người lao động bình thường.
Như "Squid Game" đã minh họa, chỉ cần một khoản đầu tư không tốt, thị trường bão hòa hoặc đơn giản chỉ là một vận rủi cũng có thể biến những người bình thường, từ lao động bán thời gian cho tới doanh nhân thành đạt, trở thành con nợ của những công ty cho vay nặng lãi.
“Tổng số nợ của những người Hàn Quốc bình thường vượt quá GDP 5%. Về mặt cá nhân, điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn tiết kiệm từng xu kiếm được trong cả năm, bạn vẫn không thể trả nợ. Và số người gặp vấn đề về nợ nần đang tăng lên với tốc độ cấp số nhân", chuyên gia kinh tế Lee In-cheol chỉ ra.
Đáp lại, ủy ban dịch vụ tài chính và dịch vụ giám sát tài chính của Hàn Quốc gần đây đã ban hành các quy định nhằm ngăn chặn nhiều người dân rơi vào cảnh nợ nần.
"Đó là lý do tại sao các ngân hàng lớn đã hành động để hạn chế vay nợ. Nhưng điều đó có thực sự giúp ích cho mọi người, đặc biệt là ở giữa đại dịch COVID-19 không?", ông Lee đặt câu hỏi.
Giống như nhiều thí sinh trong ''Squid Game'', Choi chìm trong nợ nần, số lãi anh phải trả đang tăng với tốc độ chóng mặt.
Chỉ hai năm trước, Choi còn là một kỹ sư CNTT tại một công ty ở Pangyo - Thung lũng Silicon của Hàn Quốc. Nhiều năm bị bắt làm thêm giờ và thức khuya đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của anh. Sau một năm tiết kiệm, anh và vợ quyết định mở một quán rượu ở quê nhà Incheon.
Cả hai sau đó sẽ phải hối tiếc vì quyết định đầy mạo hiểm này.
“Chúng tôi khi đó không hy vọng trở thành triệu phú. Chúng tôi sẽ hài lòng với việc kiếm được như trước đây. Tất cả những gì tôi thực sự muốn là ngủ nhiều hơn, chỉ cần thêm một tiếng mỗi ngày", Choi nói.
Sau một khởi đầu khá suôn sẻ, cửa hàng của vợ chồng Choi trở thành nạn nhân của đại dịch COVID-19. Sau khi các quán bar và nhà hàng được yêu cầu đóng cửa sớm nhất là 9 giờ tối, số lượng khách hàng cứ thế giảm dần.
"Nhiều tối chẳng có ai ghé vào, chúng tôi chỉ biết bật nhạc lớn để cổ vũ tinh thần, mặc dù chúng tôi biết điều đó sẽ đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn. Nhưng chúng tôi không biết làm gì khác", người này cho biết.
Sau khi không trả được tiền thuê nhà trong 4 tháng, cặp đôi hiểu rằng họ cần có thêm tiền để giữ mặt bằng. Các khoản vay tại ngân hàng khá dễ dàng, nhưng họ đã bị sốc khi thấy lãi suất cao ngất ngưởng 4%.
Trong vòng vài tháng, họ đã vay tiền từ tất cả 5 ngân hàng cao cấp của Hàn Quốc, sử dụng nhà của họ làm tài sản thế chấp. Điều gì đến cũng phải đến, họ phải vay nhiều hơn để trả các khoản vay cũ, cuối cùng phải tìm tới những công ty cho vay với lãi suất hơn 17%.
“Đến lúc đó, tôi không còn quan tâm đến lãi suất cao như thế nào nữa. Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn yêu cầu tôi phải hoàn trả các khoản vay. Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn đảo lộn. Vợ tôi nói rằng cô ấy thậm chí còn nghe thấy tôi lẩm bẩm về lãi suất trong lúc ngủ", Choi kể.
Để có tiền trả nợ, vợ chồng Choi chấp nhận gửi con cho ông bà rồi mỗi người đi làm thuê.
Choi cũng nghe mọi người nói rất nhiều về "Squid Game", nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xem bộ phim đó.
"Người ta sẽ phải trả tiền để xem cái đó. Nhưng tại sao tôi phải xem phim về những con nợ, trong khi tôi có thể nhìn ngay vào gương", Choi cay đắng nói.