Eva Zangerle cùng với nhóm của mình tại Đại học Innsbruck đã phân tích 12.000 bài hát thuộc các thể loại như rap, đồng quê, pop, R&B và rock, được phát hành từ năm 1980 đến năm 2020. Nghiên cứu cho thấy lời bài hát có xu hướng đơn giản, lặp đi lặp lại và chứa đầy những cảm xúc tiêu cực.
Âm nhạc từ giữa đến cuối thế kỷ 20
Những năm 1950 đến 1970 chứng kiến sự trỗi dậy của nhạc Rock&Roll, R&B, soul và sau đó là disco. Lời bài hát đề cập đến các vấn đề xã hội và chính trị, phản ánh thời kỳ hỗn loạn. Các nghệ sĩ như Bob Dylan, The Beatles và Marvin Gaye đã viết những bài hát đề cập đến chiến tranh, dân quyền và tự do cá nhân.
Trong những năm 1980 đến 1990, sự xuất hiện của các thể loại như punk, hip-hop và grunge đã mang lại những chiều hướng mới cho việc sáng tác. Đặc biệt, nhạc punk và hip-hop là tiền đề cho xu hướng phản ánh xã hội và nổi loạn chống lại các giá trị truyền thống. Lời bài hát trở nên rõ ràng hơn, đề cập đến các vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng và bản sắc.
Âm nhạc thế kỷ 21
Trái ngược với thế hệ trước, âm nhạc thế kỷ 21 có phần nhàm chán hơn. Thời đại kỹ thuật số đã làm thay đổi việc tiêu thụ, sáng tạo và phân phối âm nhạc.
Từ vựng sử dụng trong lời bài hát không còn đa dạng như trước. Số lượng từ khác nhau đã giảm đi, đặc biệt là trong các bài rap và rock. Điều này đồng nghĩa với việc sự lặp đi lặp lại của một từ hoặc cụm từ cũng trở nên phổ biến hơn.
Ngoài những thay đổi về cấu trúc, nghiên cứu còn chỉ ra lời bài hát mang tính cảm xúc và cá nhân hơn trong những năm qua.
Các bài rap cân bằng giữa những vấn đề tích cực và tiêu cực. Các thể loại R&B, pop và đồng quê chuộng sử dụng lời ca tiêu cực. Tất cả các thể loại đều cho thấy sự gia tăng các từ liên quan đến sự tức giận.
Ngày nay, âm nhạc chủ yếu được nghe trên các ứng dụng và nền tảng phát trực tuyến. Vì vậy, việc thu hút sự chú ý của người nghe đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nghệ sĩ.
Anh Michael Varnum, nhà tâm lý học tại Đại học bang Arizona, chia sẻ: “Khi mọi người có nhiều sự lựa chọn, họ thường thích những thứ dễ hiểu và đơn giản hơn.”
Phân tích của Paul Lamere từ Echo Nest, một nền tảng dữ liệu âm nhạc thuộc sở hữu của Spotify (một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến), cho thấy gần 50% người nghe Spotify sẽ bỏ qua một bài hát trước khi nó kết thúc và gần 1/4 sẽ bỏ qua bài hát đó trong năm giây đầu tiên.
Zangerle nói: “10 đến 15 giây đầu tiên có tính quyết định cao đến việc người nghe có bỏ qua bài hát hay không. Vì vậy, trong cuộc đua thu hút sự quan tâm của người nghe, những bài hát lặp đi lặp lại sẽ có lợi thế hơn.”
Lời bài hát ý nghĩa và giai điệu bắt tai giúp Taylor Swift trở thành ca sỹ có lượt nghe khủng và nhận được 14 giải Grammy. Ảnh: Getty Images |
Bên cạnh nhiều nghệ sĩ chỉ chú ý tới lượt nghe thì Taylor Swift, nữ ca sỹ kiêm nhạc sỹ người Mỹ, lại cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ tài tình của mình. Vị tỉ phú trẻ tuổi làm chủ khối từ vựng khổng lồ, lồng ghép chúng trong các bài hát về tình yêu và các mối quan hệ xung quanh. Lời bài hát ý nghĩa và giai điệu bắt tai giúp cô trở thành ca sỹ có lượt nghe khủng và nhận được 14 giải Grammy.
Trong suốt quá trình phát triển, lời bài hát đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu xã hội, phản ánh những thay đổi về văn hóa và công nghệ. Mặc dù lời bài hát không còn ý nghĩa như trước, vẫn còn một số nghệ sĩ xuất sắc giữ vững giá trị của lời ca.