Đảng Dân chủ đã tiến hành điều tra luận tội Tổng thống Trump sau khi một quan chức giấu tên tiết lộ về cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Ukraine Zelensky. Trong cuộc điện đàm đó, Tổng thống Trump bị cáo buộc dùng khoản hỗ trợ quân sự để gây sức ép lên ông Zelensky nhằm điều tra đối thủ chính trị là cựu Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời là ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, Joe Biden.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhiều lần yêu cầu người tiết lộ trên ra làm chứng trước Ủy ban tình báo Hạ viện - cơ quan đang tiến hành các phiên điều trần công khai về việc liệu ông Trump có lạm quyền vì mục đích chính trị cá nhân hay không. Tổng thống Mỹ đã phủ nhận cáo buộc trên.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff trước đó khẳng định rằng người tiết lộ này sẽ ra làm chứng nhưng sau đó ông đã thay đổi suy nghĩ.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình "Meet the Press" của đài NBC ngày 24/11 về việc tại sao lại từ bỏ kế hoạch triệu tập nhân vật tiết lộ về cuộc điện đàm - người được cho là một quan chức CIA, ông Schiff cho biết có 2 lý do để điều này không nên xảy ra.
"Chúng tôi rất quan tâm đến việc người tiết lộ sẽ ra làm chứng cho đến khi có 2 điều xảy ra. Thứ nhất là chúng tôi có thể chứng minh mọi thứ trong lời tố giác của người này thông qua các nhân chứng có các thông tin trực tiếp. Lý do thứ 2 là Tổng thống và các đồng minh của ông ấy có thể khiến cuộc sống của người tiết lộ này gặp nguy hiểm bởi nếu ai đó bị coi là kẻ phản bội hay điệp viên, chúng tôi sẽ phải áp dụng hình phạt với những tội danh này và hình phạt đó chính là tử hình".
Hồi tháng 9/2019, Tổng thống Trump đã phát biểu trong một cuộc họp với các nhân viên của Mỹ tại Liên Hợp Quốc rằng người tiết lộ và những người cung cấp thông tin cho người này, "gần giống như một điệp viên".
"Tôi muốn biết người đó là ai, ai là người đã cung cấp thông tin cho kẻ tiết lộ trên? Bởi vì điều đó gần giống như hành động của một điệp viên", Tổng thống Trump khẳng định.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố việc áp dụng hình phạt với những kẻ điệp viên và những kẻ phản quốc hiện nay cũng không khác trước là bao. Tổng thống Trump cho rằng quan chức giấu tên tiết lộ về cuộc điện đàm với phía Ukraine cũng như các luật sư của người này đã phạm tội phản quốc. Nhận định ấy được cho là một cách khác để nói rằng người tiết lộ trên sẽ phải đối mặt với án tử hình.
Nhận định với phóng viên Jake Tapper trên CNN sáng 24/11, ông Schiff cho biết có thể sẽ có nhiều nhân chứng hơn được triệu tập tới cuộc điều tra luận tội.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng cho rằng: "Những gì mà các nghị sĩ Cộng hòa cần quyết định và hiểu rõ là tại sao trước đây, đảng Cộng hòa sẵn sàng đặt quốc gia lên trước... Tôi hy vọng sẽ có những thành viên đảng Cộng hòa sẵn sàng tiến bước và lên tiếng bất chấp hậu quả chính trị là gì. Nếu đó là Barack Obama làm điều này, họ sẽ bỏ phiếu luận tội ngay lập tức dù chỉ với một vài bằng chứng. Lẽ ra việc Tổng thống là người của đảng Cộng hòa không phải là vấn đề".
"Nếu đó là một Tổng thống đảng Dân chủ, tôi sẽ là một trong số những người đứng lên và nói rằng chúng ta cần xem xét nghiêm túc đến việc luận tội Tổng thống này", ông Adam Schiff khẳng định./.