Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo ông Đông, hiện Bộ Giao thông vận tải chưa nhận được báo cáo của Vietnam Airlines đúng theo hạn.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không báo cáo lên bộ về quy trình quy định chức năng các đơn vị liên quan trong tổ chức đào tạo tuyển dụng, kiểm soát chất lượng đội ngũ phi công.
Trong việc lựa chọn người điều khiển máy bay, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Hàng không sẽ xem xét đầu ra các ứng viên, hồ sơ bằng cấp. Các phi công chủ yếu học nước ngoài, được đào tạo tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu.
Cũng theo ông Đông, trong việc huấn luyện phi công yêu cầu 2 điều kiện chính. Thứ nhất, danh sách các đơn vị đào tạo phải nằm trong danh mục của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tuân thủ quy định của Việt Nam.
Thứ hai là cá nhân người lái máy bay phải được Cục Hàng không của nước đào tạo tổ chức đánh giá cấp bằng lái cơ bản.
Ngoài ra, để tiếp tục được phép lái loại máy nào thì phải học thêm lái loại đó, ví dụ máy bay A320, hay Boeing. Các phi công phải được đào tạo bay cơ bản rồi phải đào tạo bảm đảm tiêu chuẩn ICAO trong điều khiển máy bay đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không.
Về việc tuyển chọn phi công, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không, Vietnam Airlines làm rõ. Việc tuyển chọn hay xem xét có tiêu cực thế nào cần xem xét thận trọng vì đây là quá trình chặt chẽ từ đào tạo, các trường nằm trong danh mục, chấp nhận chứng chỉ được sử dụng.
Sau đó, các hãng tuyển dụng phải chịu trách nhiệm chất lượng phi công. Nếu có tiêu cực, phải xem xét cẩn thận để cung cấp cho cơ quan công luận, ông Đông nhấn mạnh.
Trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Theo văn bản này, từ năm 2013, Vietnam Airlines thực hiện chính sách xã hội hoá đào tạo phi công. Chính sách này dẫn đến nhiều bất cập vì việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức, gần như bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng học của 1 danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn là có thể đi học.
Theo ông Cương, đa số các trường dạy bay là các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp, một số trường học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay.
Nhiều vấn đề khác cũng được ông Cương đề cập đến như hiện tượng ra giá 20.000 - 25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn, vấn đề thời hạn khi nghỉ việc và việc bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công cùng nhiều tiêu cực khác khiến mặt bằng chất lượng phi công bị giảm sút rất nhiều, nguy cơ xảy ra mất an toàn cao.
Về vấn đề này, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Vietnam Airlines, yêu cầu báo cáo giải trình về ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, về một số bất cập trong đào tạo phi công.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, báo cáo giải trình, làm rõ việc có hay không có tình trạng như ý kiến của đại biểu nêu và giải pháp chấn chỉnh.
Bộ trưởng yêu cầu Vietnam Airlines gửi giải trình về bộ trước ngày 31/7, tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải chưa nhận được báo cáo của Vietnam Airlines đúng theo hạn.