Báo Tiền Phong đưa tin, trong biên bản họp Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 do GS. Trần Đình Sử làm chủ tịch Hội đồng đã nêu rất rõ lý do SGK tiếng Việt Công nghệ giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT tại thông tư 33 Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, hội đồng thẩm định SGK sẽ dựa vào những tiêu chí sau để thẩm định: Điều kiện tiên quyết của SGK; Nội dung SGK; Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK; Cấu trúc SGK; Ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày SGK.
Áp theo các quy định này, Hội đồng thẩm định nhận thấy, SGK Tiếng Việt của GS. Hồ Ngọc Đại đạt về điều kiện tiên quyết của SGK nhưng không đạt nội dung SGK; không đạt phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK; không đạt cấu trúc SGK; không đạt ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày trong SGK.
Còn nếu tính theo các tiêu chí con, thì có 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ.
Bộ SGK Công nghệ giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức. - Ảnh: Tiền Phong |
Theo đánh giá chung của Hội đồng thẩm định, trong SGK còn có một số nội dung vượt quá quy định trong chương trình tiếng Việt lớp 1: các yêu cầu cần đạt về các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; kiến thức (tiếng Việt, văn học); ngữ liệu. Một số yêu cầu học thuộc lòng vượt quá yêu cầu của chương trình.
Đối với yêu cầu về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK, theo hội đồng thẩm định, hạn chế của SGK tiếng Việt lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại là thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh khiến cho giáo viên khó có thể vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu, giảm hứng thú học tập của học sinh…
Đối với môn Toán, hội đồng thẩm định khẳng định nội dung bản mẫu SGK chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn Toán lớp 1 như: các nội dung liên quan đến khái niệm Tập hợp, phương trình; Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình; Các số “đứng liền nhau”, “dãy số”, “dãy số tự nhiên”, “trục số” không có trong chương trình.
Bên cạnh đó, các nội dung của chủ đề hình học như “quan sát, nhận biết hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản”; “thực hành lắp ghép, xếp hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đơn giản; “tính nhẩm: thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 10”; “Thực hiện được việc cộng, trù nhẩm các số tròn chục” chưa được đề cập phù hợp trong bản mẫu.
GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với báo chí sáng 12/9. - Ảnh: Thanh Niên |
Trước thông tin bộ SGK Công nghệ giáo dục của mình không đạt tại vòng thẩm định, sáng 12/9, báo Thanh Niên dẫn lại lời chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại: “Sản phẩm của tôi đưa ra khác với hiện hành về nguyên lý sư phạm về bộ sách giáo khoa. Tôi căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Các vị viết theo suy nghĩ của các vị, còn trẻ em nó khác”.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, một chương trình có hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ em mỗi ngày; mỗi giờ học đều mang lại lợi ích, cái mới, niềm vui cho trẻ em. “Học tiếng Việt với tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Chúng ta hay phản ứng sự thực dụng nhưng học phải cần cho cuộc sống, không thể học những thứ viển vông”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
GS Hồ Ngọc Đại còn cho biết, khi về hưu, ông ngồi viết lại 2 bộ sách giáo khoa là toán và tiếng Việt. “Tôi viết sách giáo khoa theo kiểu của tôi. Tôi toàn tâm toàn ý chỉ lo cho tiểu học, vì nếu giải quyết được hạnh phúc của học sinh của tiểu học thì sẽ giải quyết được hạnh phúc của gia đình, của xã hội…”, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Theo quy định của Thông tư 33, đánh giá và xếp loại bản mẫu SGK theo nội dung đã trình bày ở trên vào một trong ba loại: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt";
Bản mẫu SGK được xếp loại "Đạt" nếu kết quả xếp loại theo tất cả các nội dung này là loại "Đạt";
Bản mẫu SGK xếp loại "Đạt nhưng cần sửa chữa" nếu toàn bộ kết quả xếp loại theo nội dung này là loại "Đạt" và loại "Đạt nhưng cần sửa chữa", trong đó bắt buộc các nội dung điều kiện tiên quyết của SGK phải được xếp loại "Đạt";
Bản mẫu SGK được xếp loại "Không đạt" trong các trường hợp còn lại.
Hội đồng đánh giá bản mẫu SGK xếp loại "Đạt" đối với bản mẫu SGK được ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt"; Hội đồng xếp loại "Đạt nhưng cần sửa chữa" đối với bản mẫu SGK được ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt" và loại "Đạt nhưng cần sửa chữa" hoặc ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt nhưng cần sửa chữa"; Hội đồng xếp loại "Không đạt" trong các trường hợp còn lại.
Tại biên bản họp hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 gồm 15 thành viên thì biểu quyết đánh giá bản mẫu SGK lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại cho thấy số thành viên đánh giá xếp loại không đạt là 15/15 người (tức là 100% thành viên trong hội đồng).