Tờ Guardian đưa tin, dựa trên phân tích hiện trường, các chuyên gia phát hiện virus SARS-CoV-2 trong không khí được phát tán qua hệ thống thông gió cấp thấp có khả năng đã gây ra sự kiện “siêu lây nhiễm” COVID-19 đầu tiên ở Đức.
Trong số 411 người dự lễ hội được xét nghiệm sau đó, gần một nửa đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Một người đàn ông 47 tuổi trình diễn tại lễ hội chính là người đầu tiên ở Đức phải nằm khoa chăm sóc tích cực vì mắc COVID-19.
Sau nhiều tháng phân tích địa điểm cùng các hoạt động chuyển động tại lễ hội, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bonn cho biết hệ thống thông gió hoạt động kém của toà thị chính Gangelt, chỉ đưa được 25% khí sạch vào luồng không khí, chính là yếu tố quan trọng khiến virus lan truyền trong đám đông.
Các nhà nghiên cứu cho hay những người ngồi gần cửa thoát khí có nguy cơ nhiễm virus cao nhất.
Nhà virus học Hendrik Streeck, một trong những tác giả, cho biết: “Một lần nữa, giọt bắn siêu nhỏ và hệ thống thông gió lại đóng vai trò quan trọng trong việc có gây lây nhiễm hay không.
Ông Streeck cùng đồng nghiệp khẳng định không tìm thấy bằng chứng về giả thuyết cho rằng những người dự tiệc đã uống chung cốc hoặc tiếp xúc gần khi say xỉn là yếu tố hàng đầu dẫn đến các sự kiện “siêu lây nhiễm”.
“Chúng tôi đã xác định mức độ tiêu thụ rượu theo số lượng đồ uống và không quan sát thấy bất kỳ ảnh hưởng nào của lượng rượu tiêu thụ đến nguy cơ mắc bệnh”, nhóm nghiên cứu nêu rõ.
Khoảng thời gian mà khách tham gia ở trong tòa thị chính cũng là một dấu hiệu quan trọng về việc liệu họ có bị nhiễm virus hay không, quan trọng hơn so với việc họ ngồi gần nhau hay không.
Những người lớn tuổi có nhiều khả năng bị nhiễm virus tại buổi lễ hội hơn là trẻ em, với nguy cơ lây nhiễm trung bình tăng 28% cho mỗi 10 tuổi chênh lệch.