Không chỉ là nơi để giết thời gian
TikTok được biết đến với các video nhảy lan truyền và nhạc pop, hay Instagram là nơi dành cho những tín đồ thời trang và du lịch, những nhận định này đúng nhưng không đủ. Đối với người dùng mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là Thế hệ Z (Gen Z), mạng xã hội chính là “công cụ tìm kiếm mới” hiệu quả, được ưa dùng nhờ tính chi tiết, trực quan bao gồm hình ảnh, video trải nghiệm mang tính cá nhân hóa. Người dùng có thể tham khảo về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Họ cũng có thể đặt câu hỏi tương tác thêm, việc giải đáp diễn ra nhanh chóng và đúng mục tiêu hơn so với nhập truy vấn, rồi “bơi” trong hàng ngàn kết quả từ công cụ tìm kiếm.
Theo The New York Times, Gen Z đang dần coi các nền tảng mạng xã hội như TikTok là công cụ tìm kiếm mới trong vài năm gần đây. Tháng 7 năm 2023, ông Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google chia sẻ: 40% người dùng Gen Z tham gia khảo sát có xu hướng tìm kiếm địa chỉ ăn trưa trên TikTok hoặc Instagram thay vì truy cập Google. Trên thực tế, những vấn đề được tìm kiếm trên các nền tảng này rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở câu chuyện ăn uống ở đâu, mua sắm những gì, mà còn về những điểm du lịch thú vị trên toàn thế giới.
Những hình ảnh đồ ăn được chia sẻ trên Instagram. Ảnh: Babaganosh |
Để tối ưu, nhiều mạng xã hội tích hợp kết quả tìm kiếm của Google vào trong ứng dụng, nền tảng TikTok còn bổ sung thêm các công cụ hiệu quả như phân tích từ khóa Keyword Insights, giúp người sáng tạo nội dung biết đâu là từ khóa thịnh hành để áp dụng vào chiến lược marketing của mình và cập nhật xu hướng một cách kịp thời.
Sự tham gia của các chuyên gia uy tín nhiều lĩnh vực trên các nền tảng mạng xã hội cũng biến chúng trở thành kho kiến thức, thông tin phong phú đem lại nhiều giá trị cho người dùng. Ví dụ, kênh tiktok của Luật sư Trần Viết Hà (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, TikTok @haluatsu) với 3,6 triệu lượt theo dõi hay Cố vấn Đầu tư Tài chính Võ Hoài Nam (TikTok daothinhvuongofficial255) với 416 ngàn người theo dõi đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy mỗi khi người dùng có thắc mắc về những vấn đề liên quan. Hay những kênh cung cấp thông tin chuyên sâu về Lịch sử Việt Nam (YouTube @suluoc) với những hình ảnh minh họa sinh động và thông tin cực kỳ chi tiết dưới dạng video đã trở thành “điểm đến” khi người dùng muốn tìm hiểu về một thời kỳ.
Tài khoản TikTok của luật sư Hà |
Rõ ràng, các nền tảng này đang phát triển để giải quyết mục đích “tìm kiếm” trong khi vẫn sản xuất nội dung mang tính giải trí đơn thuần.
Tính chính xác của thông tin vẫn là vấn đề nổi cộm
Sự nổi lên của mạng xã hội như một công cụ khám phá là một phần của quá trình chuyển đổi rộng hơn trong tìm kiếm kỹ thuật số. Trong khi Google vẫn là công cụ tìm kiếm thống trị thế giới, mọi người đang chuyển sang Shopee để tìm kiếm sản phẩm, Instagram, TikTok để cập nhật xu hướng, Pinterest để tìm hình ảnh. Thế giới kỹ thuật số tiếp tục phát triển, kéo theo sự xuất hiện của vô số cách thức tìm kiếm thông tin, từ đó có thể làm thay đổi cả cấu trúc của thị trường tìm kiếm trực tuyến. Nhìn chung, sự thay đổi này có thể mang lại cơ hội mới cho người dùng trong việc tìm kiếm thông tin, nhưng cũng đặt ra những câu hỏi lớn hơn về tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung trực tuyến.
Francesca Tripodi, Giáo sư Khoa học thông tin và Thư viện tại Đại học North Carolina – Chapel Hill, cho biết, sự nổi lên của TikTok với tư cách là một công cụ tìm kiếm có thể đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người vấp phải thông tin sai lệch và thông tin sai lệch trên ứng dụng, sau đó thông tin này có thể được khuếch đại và lan rộng hơn nữa. Nền tảng này đã phải vật lộn với việc kiểm duyệt nội dung gây hiểu lầm về bầu cử, chiến tranh ở Ukraine và việc phá thai. Bà cho biết thêm, thuật toán của TikTok có xu hướng giữ mọi người ở lại ứng dụng, khiến họ khó chuyển sang các nguồn bổ sung để tìm kiếm xác minh tính xác thực: “Bạn không thực sự nhấp vào bất cứ thứ gì có thể dẫn bạn ra khỏi ứng dụng này. Điều đó khiến việc kiểm tra kỹ thông tin bạn nhận được có chính xác hay không càng trở nên khó khăn hơn.” Thay vào đó, thuật toán của TikTok cũng như nhiều mạng xã hội sẽ lập tức gợi ý những nội dung phù hợp với hành vi tìm kiếm và sở thích của người dùng.
Mạng xã hội có thực sự trở thành mối đe dọa với các công cụ tìm kiếm?
Nhằm ứng phó lại thách thức đến từ mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm truyền thống có thể nghiên cứu áp dụng một số chiến lược như sử dụng công nghệ AI và máy học để phân tích và hiểu hành vi người dùng, tăng cường khả năng tìm kiếm theo ngữ cảnh và cung cấp kết quả tìm kiếm cá nhân hóa hơn. Một biện pháp khác là tạo ra sự hợp tác giữa các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội nhằm tích hợp nội dung và tận dụng lượng dữ liệu lớn từ mạng xã hội. Đồng thời, họ cũng cần phải đối mặt với thách thức về việc quản lý thông tin chính xác và chống lại thông tin sai lệch, điều mà mạng xã hội đang phải vật lộn.
Cũng cần lưu ý, không phải tất cả các loại nội dung đều được phép đăng tải trên mạng xã hội, ví dụ như TikTok cấm nghiêm ngặt nội dung khiêu dâm. Trong khi đó, người dùng có thể tìm thấy mọi thứ với Google hay Bing. Tất nhiên, điều này không ám chỉ TikTok là một không gian an toàn cho trẻ vị thành niên, mà chỉ là một ví dụ đơn giản cho thấy phạm vi tìm kiếm của những công cụ truyền thống rộng lớn, đa chiều và có thể chuyên sâu hơn rất nhiều, vượt qua nhiều rào cản giới hạn. Tùy thuộc việc người dùng muốn tìm kiếm dạng thông tin gì, họ có thể lựa chọn sử dụng mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm. Dù vậy, khi một cuộc tranh cãi gay gắt dấy lên trên nền tảng mạng xã hội, người dùng vẫn có xu hướng tìm kiếm trên Google những bằng chứng để làm vững chắc hơn luận điểm của chính mình.