Mảnh kim loại lớn, cong có chiều dài 2-3 mét trôi dạt vào bờ biển tỉnh Nakhon Si Thammarat, Thái Lan được nhiều người nhanh chóng đoán là mảnh vỡ của chiếc MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines. Sau đó, người dân địa phương đã báo cáo việc này lên chính quyền để tiến hành xác minh.
Hồi tháng 7/2015, một mảnh của máy bay xấu số mất tích cùng 239 người đã trôi dạt lên hòn đảo Reunion của Pháp nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm dấu vết nào được tìm thấy.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng, cho dù các mảnh vỡ trôi dạt hàng cây số do dòng chảy mạnh ở Ấn Độ Dương thì việc chúng trôi qua hẳng đường xích đạo vào Bắc bán cầu là điều hoàn toàn khó xảy ra.
Ông Greg Waldron, quản lý biên tập của tờ Flightglobal châu Á, nhận định “vị trí mảnh vỡ ở Thái Lan không có liên kết nào với vị trí mảnh vỡ tìm thấy ở đảo Reunion. Các dấu hiệu, kết cấu trên mảnh vỡ này cho thấy rõ ràng nó có liên quan đến ngành hàng không vũ trụ. Cần phải tiến hành kiểm tra cẩn thận để xác định chính xác nguồn gốc của nó”.
Dân làng kiểm tra mảnh vỡ trên bờ biển. Ảnh: The Guardian
Ông Waldron cho biết nó có thể là rác vũ trụ liên quan đến các vụ phóng tên lửa không gian của Ấn Độ ở phía đông vịnh Bengal.
Phóng viên tờ The Wall Street Journal, Jon Ostrower - chuyên nghiên cứu không gian vũ trụ và Boeing cho biết, mảnh vỡ này có thể là một mảnh thuộc tên lửa H-IIA của Nhật Bản bỏ đi đang trên đường bị thải xuống biển.
Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas cũng cho rằng mảnh vỡ tìm thấy ở Thái Lan “nhìn không giống thân máy bay”. Ông khẳng định: “Điều này rất vô lý. Tôi không thấy bất cứ liên hệ nào giữa mảnh vỡ này với MH370”.
Đến nay, phía Thái Lan vẫn chưa có bất kì xác nhận chính thức nào về việc liệu mảnh vỡ có phải là từ máy bay hay không. Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, ông Sansern Kaewkamnerd, trả lời hãng tin Reuters: “Cá nhân tôi nghĩ mảnh vỡ này không phải của MH370”.
Đại diện của cơ quan giám sát cuộc tìm kiếm MH370, đóng tại Canberra, Australia cho biết họ đang chờ đợi kết quả kiểm tra chính thức mảnh vỡ trên.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Malaysia đang phối hợp với chính quyền Thái Lan để xác minh nguồn gốc mảnh vỡ.
An Mai (Theo Reuters/ Guardian)