Chi phí xét nghiệm tại một số quốc gia
Virus SARS-CoV-2, nguồn cơn gây ra đại dịch Covid-19, đã lan rộng đến hơn 100 quốc gia, trong đó Ý, Iran và Hàn Quốc đang phải vật lộn với dịch bệnh.
Cụ thể, Ý đã báo cáo hơn 10.000 trường hợp nhiễm bệnh, vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ngoài Trung Quốc.
Mỹ cũng đã bắt đầu ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn sau khi các cơ quan y tế xóa bỏ các rào cản khiến bệnh nhân không thể tiếp cận hệ thống y tế.
Nhưng tại Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh, tình hình dường như đang trong tầm kiểm soát, khi chỉ có 24 trường hợp nhiễm mới và 22 ca tử vong vào thứ Ba tuần này.
Một xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có giá khoảng 370 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng). Còn tại thành phố Thâm Quyến (Quảng Đông), chi phí điều trị bệnh trung bình dao động từ 23.000 nhân dân tệ cho bệnh nhân cao tuổi đến khoảng 5.600 nhân dân tệ cho trẻ vị thành niên, tạp chí Quản lý Bệnh viện Trung Quốc đưa tin ngày 28/2.
Một số phương pháp điều trị vốn rất tốn kém đã được áp dụng và tất cả đều được chính phủ chi trả. Bắc Kinh đã dành 110,48 tỷ nhân dân tệ hỗ trợ điều trị, trợ cấp cho nhân viên y tế và mua sắm trang thiết bị.
Tại Mỹ, nơi đã có 31 trường hợp tử vong cho tới nay, công chúng đang lo ngại giá thành xét nghiệm có thể khiến nhiều người bệnh không dám tới bệnh viện.
Dù chính phủ Mỹ không tính phí xét nghiệm xác nhận Covid-19 tại các phòng thí nghiệm được chỉ định, nhưng một chuyến đi đến bệnh viện sẽ phải gánh thêm các chi phí khổng lồ khác,có thể lên tới hơn 3.200 USD.
Nhóm vận động hành lang bảo hiểm America’s Health Insurance Plans cho biết các bệnh nhân cần kiểm tra hợp đồng bảo hiểm của họ để biết mức chi trả liên quan đến Covid-19.
Tính đến thứ Hai tuần này, chỉ có 1.707 người đã được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) làm xét nghiệm, theo một nghiên cứu mới của bệnh viện Cedars-Sinai, ước tính rằng từ 1.043 đến 9,484 người ở Mỹ có thể đã bị nhiễm bệnh vào ngày 1/3.
Người dân Đức xếp hàng chờ xét nghiệm tại một cơ sở y tế ở quận Prenzlauer Berg, Berlin. |
Hàn Quốc, với 7.755 bệnh nhân Covid-19 được xác nhận, đã tuyên bố vào tháng 1 rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân.
Nhật Bản đã coi Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm vào tháng 2, buộc chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán các hóa đơn nội trú.
Tại Anh, khoảng 18.000 người đã được xét nghiệm miễn phí kể từ tháng trước và 373 người được xác nhận là bị nhiễm bệnh.
Sự khác biệt giữa hai thể chế
Giáo sư Dirk Pfeiffer - chuyên gia tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho biết khả năng chi trả sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nhiều quốc gia trên thế giới.
"Rõ ràng, bất cứ nơi nào bạn phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe, thì những người ở nhóm thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến bệnh viện. Điều này sẽ khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát".
Nhưng ông Pfeiffer cho rằng xét nghiệm trên diện rộng là điều không thực tế ở hầu hết các quốc gia và cách ly sẽ tiếp tục là biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất.
"Tôi cho rằng tài nguyên y tế nên tập trung vào việc xét nghiệm cho những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân thay vì được áp dụng trên quy mô lớn.
Giáo sư Pfeiffer nói rằng trong các xã hội phương Tây, việc cách ly khỏi xã hội khi mắc bệnh dịch chủ yếu dựa trên sự tuân thủ tự nguyện, trái ngược với Trung Quốc - nơi việc xét nghiệm là bắt buộc theo quy định kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Bằng việc áp đặt các quy tắc phòng, chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc gần như kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước. Các bệnh viện dã chiến của nước này đang dần được đóng cửa. Ảnh: AP |
"Hậu quả của sự khác biệt này đó là các quốc gia phương Tây sẽ mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát dịch bệnh", ông Pfeiffer cho biết.
Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc và Mỹ có các điều kiện khác nhau và có thể hiểu rằng hai nước đã sử dụng các chiến lược chống dịch bệnh khác nhau, nhưng thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể là cơ hội tốt cho cả hai bên cùng hợp tác.
"Đây là vấn đề ít nhạy cảm nhất. Có nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác. Chúng ta đã chứng kiến một số hợp tác vững chắc trong quá khứ để đối phó với các dịch SARS, H5N1 và H7N9, nhưng lúc này thì chưa hề có", ông Ni chỉ ra.