Trong dịp năm mới 2018, chúng ta tìm nguồn cảm hứng từ một trong những nhà khởi nghiệp công nghệ thành công nhất trong lịch sử.
Năm 2009: Đeo cà vạt mỗi ngày
Mark Zuckerberg nổi tiếng với phong cách thời trang tối giản áo phông xám vào mùa hè và áo nỉ có mũ vào mùa lạnh. Tuy nhiên, năm 2009, anh đã đặt ra cho mình một mục tiêu hoàn toàn trái ngược với phong cách này.
Năm 2009, nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ. Facebook vẫn hoạt động theo cách giật gấu vá vai và nhiều người lo ngại rằng công ty này sẽ không thể tồn tại. 2009 thực sự là một năm có tính quyết định đối với Facebook.
Trong một thông điệp gửi đi trên mạng xã hội, Mark giải thích: “Chiếc cà vạt của tôi là biểu tượng cho sự nghiêm túc và tầm quan trọng của năm 2009, và tôi đã đeo nó mỗi ngày để nhắc nhở mình điều đó”.
Năm 2010: Học tiếng Trung
Mark tự hứa sẽ học tiếng Trung vào đầu năm 2010. Động lực của anh đương nhiên là xuất phát từ mong muốn có thể giao tiếp tốt hơn với gia đình của người bạn gái gốc Hoa Priscilla, người giờ đây đã trở thành bạn đời của anh. Tuy nhiên, nó cũng xuất phát từ mong muốn đặt chân vào Trung Quốc, một thị trường đầy hấp dẫn đối với Facebook.
Quyết tâm của Mark đã mang đến những thành quả cụ thể. Năm 2013, anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi tổ chức thành công một buổi nói chuyện dài 30 phút tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Năm 2011: Trở thành người ăn chay
Năm 2011, Mark Zuckerberg quyết tâm trở thành một người ăn chay (với một ngoại lệ là những loại thịt do tự tay anh giết mổ). Lý giải cho điều này, Mark viết trên Facebook: “Đó là cách bày tỏ lòng biết ơn. Tôi muốn được kết nối với loại thực phẩm tôi ăn và với những con vật đã hy sinh mạng sống của mình cho bữa ăn của tôi”.
Những mục tiêu gắn liền với lòng biết ơn thường mang lại sự mãn nguyện. Theo một nghiên cứu, việc đưa lòng biết ơn vào thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày sẽ có hiệu quả tích cực đối với sức khỏe tinh thần của con người.
Năm 2012: Trở lại với nghề lập trình
Năm 2012, Mark Zuckerberg cam kết sẽ rèn giũa lại các kỹ năng lập trình của mình. Trong khi nhiều người vẫn nghĩ rằng Mark là một thần đồng lập trình, nhưng trên thực tế, các bạn học đánh giá Mark chưa nằm trong nhóm những nhà lập trình tốt nhất.
Mọi nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều nên tạo thói quen rèn giũa kỹ năng lập trình của mình. Càng hiểu biết sâu về lĩnh vực này, họ sẽ càng trở nên thông thái hơn trong việc lèo lái doanh nghiệp của mình lướt cơn bão công nghệ thông tin.
Năm 2013: Gặp gỡ những người bạn mới
Năm 2013, Mark Zuckerberg đề ra mục tiêu gặp một người bạn mới (bên ngoài Facebook) mỗi ngày. Đây là một mục tiêu rất hữu ích. Bằng việc gặp gỡ những người bạn mới mỗi ngày, Mark được tiếp cận nhiều hơn với những cách nhìn, cách làm mới lạ. Anh học cách tôn trọng giá trị của sự khác biệt.
Và không phải tình cờ mà trong cùng năm đó, Mark đã tuyển dụng Maxine Williams cho một ví trí quản lý chưa từng có trong lịch sử Facebook và những doanh nghiệp công nghệ khác: vị trí Giám đốc mảng Đa dạng toàn cầu.
“Khi chúng ta được tiếp cận mới những quan điểm đa chiều, đa dạng, chúng ta không chỉ mở mang kiến thúc mà còn khơi gợi tiềm năng sáng tạo trong chính con người mình”.
Năm 2014: Viết một thông điệp cảm ơn mỗi ngày
Năm 2014, Mark đặt mục tiêu trở thành một con người biết cảm thông hơn bằng cách viết một thông điệp cảm ơn gửi đến một người nào đó mỗi ngày.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Mark giải thích: “Đây là một mục tiêu quan trọng đối với tôi, bởi tôi là một người rất khó tính. Tôi luôn nhìn nhận theo thứ theo hướng đòi hỏi nó phải tốt hơn, và thường không hài lòng với trạng thái hiện tại của nó”.
Những mục tiêu gắn liền với những hành động vị tha, hào phóng thường có tác động vô cùng to lớn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tử tế và các hành động hào phóng có tính lan truyền rất cao, và kích hoạt một chuỗi những hành động tốt đẹp tiếp theo đó.
Năm 2015: Mỗi tháng đọc 2 quyển sách
Năm 2015, Mark Zuckerberg tự đặt cho mình thách thức mỗi tháng đọc 2 quyển sách. Anh ưu tiên các thể loại sách về công nghệ và các nền văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng khác biệt với mình.
Lợi ích đến từ việc đọc sách là vô cùng to lớn. Theo một nghiên cứu, thói quen đọc sách không chỉ giúp cho chúng ta phát triển vốn từ vựng, mà còn cải thiện khả năng tư duy trừu tượng của mình.
Năm 2016: Xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo đơn giản
Năm 2016, Mark tự đặt ra mục tiêu trở thành một nhân vật như Jarvis trong phim Người Sắt. Anh quyết tâm xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo để vận hành ngôi nhà của mình.
Trong một thông điệp trên Facebook, Mark cho biết: “Tôi sẽ bắt đầu bằng cách tìm hiểu các công nghệ trí tuệ nhân tạo đang có sẵn. Sau đó tôi sẽ dạy nó cách nhận biết giọng nói của tôi để điều kiển mọi thứ trong nhà - từ âm nhạc, đến ánh sáng, nhiệt độ và hơn thế nữa”.
Mọi nhà lãnh đạo cần phải cố gắng làm chủ những công nghệ mới. Mục tiêu năm mới 2016 của Mark Zuckerberg đã giúp anh có tầm nhìn chiến lược về những cách thức áp dụng công nghệ mới để cải thiện những dịch vụ của Facebook.
Ngay sau khi Mark hoàn thành mục tiêu năm 2016, Facebook tuyên bố bắt tay vào việc thiết kế một công nghệ mới với khả năng đọc ý nghĩ. Đây không phải một sự tình cờ.
Năm 2017: Du lịch mọi tiểu bang của Hoa Kỳ
Năm 2017, Mark Zuckerberg đề ra mục tiêu đi du lịch tới 30 tiểu bang Hoa Kỳ mà anh chưa từng đặt chân tới. Những mục tiêu gắn liền với việc đi du lịch thường đem lại những kết quả đầy tích cực.
Theo Trung tâm nghiên cứu Transamerica, 86% người dân tin rằng các chuyến du lịch mang lại cho họ một tâm trạng tốt hơn, và cái nhìn về cuộc sống tích cực hơn.
Có thể rằng mục tiêu năm 2017 của Mark xuất phát từ mong muốn có một tâm trạng vui vẻ hơn. Cũng có thể rằng nó xuất phát từ tính cách của Mark và mong muốn mở mang tầm nhìn trong cuộc sống. Nhưng một số người cho rằng, mục tiêu đi thăm tất cả các tiểu bang của Mark sẽ giúp anh sẵn sàng và tự tin trở thành một ứng cử viên tổng thống trong năm 2020 tới.
Năm 2018: Cải tiến Facebook
Mục tiêu cá nhân của Mark Zuckerberg trong năm 2018 liên quan rất nhiều tới côn việc. Anh mong muốn sửa đổi hàng loạt những vấn đề mà Facebook vấp phải trong năm vừa qua, từ những kẻ lạm dụng hạ tầng Facebook để hoạt động phi pháp cho tới tệ nạn tin giả tràn lan.
“Thế giới đang cảm thấy bất an và chia rẽ, và Facebook có rất nhiều việc cần làm - đó là bảo vệ cộng đồng của chúng ta khỏi sự ngược đãi và thù địch, bảo vệ mạng xã hội khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, và đảm bảo rằng thời gian bỏ ra trên Facebook không phải thời gian vô bổ”, Mark viết trên một thông điệp Facebook. “Mục tiêu cá nhân của tôi trong năm 2018 là tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng này”.
Năm mới đang đến, và nhiều người chúng ta có thể đã soạn thảo sẵn những mục tiêu năm mới cho mình. Bạn có thể tìm kiếm sự gợi ý và cảm hứng từ những mục tiêu năm mới của Mark Zuckerberg.
Những mục tiêu của anh là sự thay thế đầy tươi mới cho những mục tiêu như “giảm cân” hay “dùng mạng xã hội ít hơn” mà bạn thường đặt ra đầu năm, những sẽ nhanh chóng quên trong những tháng tiếp sau đó.