Với hy vọng đảo ngược lại động thái của cựu tổng thống Donald Trump từng khiến người Palestine tức giận, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình mở lại lãnh sự quán Jerusalem, nơi từng là kênh ngoại giao với Palestine.
Phát biểu cùng với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah, Bờ Tây, ông Blinken cho biết Mỹ sẽ cung cấp thêm 75 triệu USD cho Palestine vào năm 2021, cùng với 5,5 triệu USD cứu trợ thảm họa khẩn cấp cho Gaza và 32 triệu USD cho cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc tại Palestine.
Nhưng ông Blinken nhắc lại rằng Washington sẽ không để các khoản viện trợ rơi vào tay Hamas, tổ chức bị Mỹ và Israel coi là khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến thăm Trung Đông của mình tại Jerusalem, nơi ông hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Israel đe dọa sẽ có một "phản ứng rất mạnh mẽ" nếu Hamas tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới.
Thỏa thuận ngừng bắn, do Ai Cập làm trung gian và phối hợp với Mỹ, có hiệu lực từ thứ Sáu tuần trước sau 11 ngày giao tranh giữa các chiến binh Hamas và Israel trong nhiều năm.
“Chúng tôi biết rằng để ngăn chặn bạo lực quay trở lại, chúng tôi phải sử dụng không gian được tạo ra để giải quyết một loạt các vấn đề và thách thức cơ bản hơn", ông Blinken cho biết. "Và điều đó bắt đầu bằng việc giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và bắt đầu xây dựng lại."
Ngoại trưởng Blinken cho biết việc mở lại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem sẽ là “một cách quan trọng để đất nước chúng tôi tham gia và hỗ trợ người dân Palestine”.
Năm 2019, chính quyền Trump đã sáp nhập lãnh sự quán với Đại sứ quán Mỹ tại Israel sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Động thái này đã phá vỡ chính sách lâu đời của Mỹ tại khu vực và khiến người Palestine tức giận bởi họ coi Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước trong tương lai.
Trong khi đó, Israel coi toàn bộ Jerusalem, bao gồm cả khu vực phía đông mà nước này chiếm được trong Chiến tranh Trung Đông năm 1967 và liên tục sáp nhập trong thời gian qua, là thủ đô không bị chia cắt của mình.
Biden không có kế hoạch đảo ngược việc di dời đại sứ quán nhưng trong những tháng đầu nhiệm kỳ đã cố gắng hàn gắn quan hệ với người Palestine.
Vào tháng 4, Mỹ đã khôi phục hàng trăm triệu đô la viện trợ cho người Palestine từng bị chính quyền Trump cắt giảm.
Phát biểu cùng với Blinken, Tổng thống Abbas cảm ơn Mỹ “vì cam kết của họ đối với giải pháp hai nhà nước và duy trì hiện trạng trên Haram al-Sharif,” một khu phức hợp tại Jerusalem có ý nghĩa với cả người Hồi giáo và người Do Thái, nơi có nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nhà thờ linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo.
Tổng thống Abbas cũng cảm ơn Blinken vì sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ các cư dân Palestine tại Sheikh Jarrah - một khu phố ở Đông Jerusalem, nơi các gia đình Palestine bị lực lượng an ninh Israel trục xuất.