Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã dành hai giờ đồng hồ để thỏa luận về căng thẳng tại biên giới Ukraine cũng như nhiều vấn đề khác, trong bối cảnh mối quan hệ song phương đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đáp lại cảnh báo của Tổng thống Biden, ông Putin yêu cầu phía Mỹ phải có những đảm bảo và ràng buộc về mặt pháp lý đối với vấn đề Ukraine gia nhập NATO, Điện Kremlin thông báo.
Nhà Trắng cho biết ông Biden không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào để hạn chế sự mở rộng của NATO.
Trả lời báo giới, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: "Tôi sẽ nói rõ ràng và trực tiếp rằng Tổng thống không đưa ra cam kết hay nhượng bộ như vậy. Ông ấy ủng hộ đề xuất rằng các quốc gia có thể tự do lựa chọn người mà họ hợp tác."
Dù không có đột phá nào trong hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng cả hai bên nhất trí tiếp tục liên lạc, một động thái có thể làm giảm căng thẳng toàn cầu.
Điện Kremlin đã phủ nhận việc "nuôi dưỡng" bất kỳ ý định tấn công Ukraine nào và cho biết việc tăng cường quân số ở biên giới phía nam là để phòng thủ, nhưng phương Tây lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Moscow định tấn công nước láng giềng.
Biden cảnh báo Putin rằng Nga có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn, sự cố đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tới châu Âu bị gián đoạn và Mỹ cùng các đồng minh châu Âu sẽ cung cấp thêm khả năng phòng thủ cho Ukraine.
"Mỹ và đồng minh của chúng tôi sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế và các biện pháp khác mạnh mẽ trong trường hợp quân sự leo thang", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
“Những điều chúng tôi đã không làm trong năm 2014, chúng tôi sẽ làm ngay bây giờ”, cố vấn quốc gia Sullivan cảnh báo, đề cập đến sự việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, Mỹ sẽ tìm cách phản ứng tích cực nếu các đồng minh Baltic yêu cầu Washington trợ giúp, ông Sullivan nói.
Một quan chức cho biết Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu vào các ngân hàng lớn nhất của Nga và khả năng chuyển đổi đồng rúp thành đô la và các loại tiền tệ khác của Moscow.
Năm 2014, chính quyền Washington chủ yếu tập trung vào viện trợ phòng thủ, phi sát thương sau khi Nga sáp nhập Crimea vì lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ leo thang.
Ông Sullivan cho biết, Tổng thống Biden giữ không khí thẳng thắn trong suốt cuộc hội đàm và “đã có rất nhiều sự cho đi và nhận lại, không hề có chuyện vẫy tay chào, nhưng tổng thống rất rõ ràng rằng Mỹ đứng ở vị trí nào trong tất cả những vấn đề này.”
Điện Kremlin cho biết ông Putin nói với đối phương rằng việc đặt mọi trách nhiệm lên vai Nga đối với những căng thẳng hiện nay là sai lầm. Tổng thống Putin đã phàn nàn về những nỗ lực của NATO nhằm "phát triển" lãnh thổ về phía Ukraine.
Chính quyền Moscow đã lên tiếng bày tỏ sự bực tức về viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã nghiêng về phương Tây kể từ khi một cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền thân Nga vào năm 2014, và điều mà Nga lo ngại là kịch bản "đông tiến" của NATO.
“Nga thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo hợp pháp, đáng tin cậy nhằm loại trừ việc NATO mở rộng về phía đông và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia tiếp giáp với Nga”, Điện Kremlin khẳng định.
Đối với Điện Kremlin, sự hiện diện của NATO tại nước láng giềng Ukraine cũng như hệ thống tên lửa của phương Tây nhắm vào Nga là một "lằn ranh đỏ" mà các bên không được phép vượt qua.
Chính quyền Moscow muốn đảm bảo rằng phía Kyiv sẽ không sử dụng vũ lực để cố gắng chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất vào năm 2014 cho phe ly khai do Nga hậu thuẫn, một kịch bản mà Ukraine đã loại trừ.