Theo Sydney Morning Herald, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/5, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, ông David Shear, đã thông báo về kế hoạch trên.
Ông cho hay bên cạnh việc luân chuyển của các đơn vị Thủy quân Lục chiến và Lục quân Mỹ quanh khu vực Tây Thái Bình Dương, Washington "sẽ triển khai thêm các phương tiện Không quân ở Australia, trong đó có các máy bay ném bom B-1 và máy bay giám sát".
Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer, một trong bộ ba răn đe hạt nhân đáng sợ nhất của Mỹ |
Máy bay B-1 Lancer được Không quân Mỹ triển khai lần đầu vào giữa những năm 1980 và dự kiến tiếp tục là máy bay ném bom chiến lược cho đến giữa những năm 2030.
Được Mỹ tiết lộ trước khi có tuyên bố từ chính phủ Australia, kế hoạch trên là một phần trong chính sách xoay trục của quân đội Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Shear nói rõ rằng Mỹ dự định thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với phần lớn Biển Đông.
"Chúng tôi có quyền tự do lưu thông trong những khu vực như thế và chúng tôi thực hiện quyền này một cách thường xuyên, cả ở Biển Đông lẫn trên toàn cầu", ông Shear nói.
Đồng quan điểm trên, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, cũng khẳng định rằng "dù có đổ bao nhiêu cát lên một rạn san hô ở Biển Đông thì cũng không tạo ra được chủ quyền".
Tuy nhiên, trong một thông cáo sáng nay, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia Kevin Andrews cho hay quan chức Mỹ đã "nói sai".
"Chúng tôi nhận thức được những phát ngôn của một quan chức Mỹ tại phiên điều trần quốc hội. Chính phủ Mỹ đã liên lạc với chúng tôi để khuyến cáo rằng quan chức này nói sai", ông Andrews nói.
Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận tăng cường hợp tác từng được Australia và quân đội Mỹ ký kết "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào".
Thủ tướng Tony Abbott cũng thừa nhận "quan chức trên nói sai và Mỹ không có kế hoạch đặt các máy bay này ở Australia".
Trung Quốc gần đây đẩy mạnh hoạt động bồi đắp tại 7 bãi đá ở Biển Đông và đang xây dựng đường băng phù hợp với mục đích quân sự trên một đảo nhân tạo. Mỹ từng chỉ trích rằng Trung Quốc đang âm mưu xây một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" ở vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 12/5 đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự Mỹ tới gần các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.
Bắc Kinh ngay sau đó bày tỏ quan ngại và yêu cầu Washington làm rõ về ý định này. Bắc Kinh cảnh báo rằng "các nước có liên quan tránh thực hiện các hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích".
Theo VNExpress
>>> Xem thêm:
- Mỹ tổ chức Hội nghị lực lượng đổ bộ châu Á-Thái Bình Dương, phớt lờ Trung Quốc
- Mỹ - Hàn “bắt tay” tìm kế “trị” tên lửa Triều Tiên
- Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ cứng rắn với hành động của Trung Quốc tại Biển Đông